CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Apple có nguy cơ bị cấm bán sản phẩm ở Trung Quốc

Invest Global 09:15 05/08/2020

(TBKTSG Online) - Một công ty trí tuệ nhân tạo ở Thượng Hải kiện Apple (Mỹ) vi phạm bản quyền của công ty này. Nếu thua kiện, Apple có thể bị tòa án ra phán quyết cấm bán hầu hết sản phẩm từ iPhone cho đến iPad tại Trung Quốc, thị trường quan trọng nhất của hãng “Quả táo khuyết” bên ngoài Trung Quốc.

Người dân chụp ảnh trước một cửa hàng sắp khai trương của Apple ở Thượng Hải. Ảnh: Xinhua

Hôm 3-8, Công ty Shanghai Zhizhen cho biết đang nộp đơn kiện ra một tòa án ở Thượng Hải để đòi Apple bồi thường 10 tỉ nhân dân tệ (1,43 tỉ đô la Mỹ) với cáo buộc “Quả táo khuyết’ này vi phạm bản quyền vì trợ lý ảo giọng nói Siri ở các sản phẩm của Apple có cấu trúc kỹ thuật giống một trợ lý ảo giọng nói của Shanghai Zhizhen.

Như một phần của đơn kiện, Shanghai Zhizhen, thường được biết đến với tên gọi Xiao-i, yêu cầu Apple dừng bán, sản xuất và sử dụng các sản phẩm vi phạm bản quyền tại Trung Quốc.

Shanghai Zhizhen cho biết công ty này phát triển phần mềm trợ lý ảo giọng nói Xiao-i Robot vào năm 2003. Phần mềm này cấp giấy phép bảo hộ bản quyền ở Trung Quốc vào năm 2009. Giống như Siri, Xiao-i Robot có thể tương tác giọng nói với người dùng, chẳng hạn có khả năng trả lời các câu hỏi và trò chuyện bằng những câu hội thoại đơn giản.

“Là một người kinh doanh trong lĩnh công nghệ và khoa học, tôi thực sự tôn trọng Apple vì những sản phẩm và dịch vụ của công ty này tạo ra các giá trị và trải nghiệm cho thế giới. Nhưng Apple cần phải chứng tỏ sự tôn trọng đối với sáng tạo. Vì Apple sử dụng bản quyền của chúng tôi nên công ty phải trả cho chúng tôi một mức phí hợp lý” - Yuan Hui, người sáng lập kiêm Chủ tịch Shanghai Zhizhen.

Cho đến nay, Shanghai Zhizhen đã ra mắt các phiên bản Xiao-i Robot sử dụng cho các nền tảng web, Android, Windows Phone, iOS. Ngay sau khi Apple ra mắt các sản phẩm có cài đặt đặt Siri ở thị trường Trung Quốc vào năm 2012, Shanghai Zhizhen đã phát đơn kiện Apple với cáo buộc vi phạm bản quyền của Xiao-i Robot.

Tuy nhiên, vụ kiện này bị tạm dừng vì Apple đã chủ động phát đơn kiện ở Bắc Kinh, yêu cầu tòa xem xét tính hợp pháp của phần mềm Xiao-i Robot.

Trải qua nhiều cấp kiện tụng, hồi cuối tháng 6 vừa qua, Tòa án tối cao Trung Quốc ra phán quyết công nhận giá trị pháp lý của bản quyền phần mềm trợ lý ảo giọng nói của Shanghai Zhizhen ở Trung Quốc. Dựa vào kết quả này, Shanghai Zhizhen khởi kiện Apple vi phạm bản quyền của công ty này.

Fang Jianwei, một cựu thẩm phán và giờ đây là luật sư đối tác ở Công ty luật Zhong Lun ở Thượng Hải, cho rằng nếu Shanghai Zhizhen yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tòa án có thể cấm Apple bán các sản phẩm có cài đặt phần mềm Siri trong thời gian xét xử.

Tuy nhiên, ông cho rằng các biện pháp tạm thời như vậy phải đáp ứng các điều nghiệm nghiêm ngặt và hiếm khi được các tòa án Trung Quốc ban hành. Ông cũng đánh giá rằng Shanghai Zhizhen không chắc thắng trong vụ kiện cáo buộc Apple vi phạm bản quyền.

Trung Quốc là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Apple, chỉ đứng sau thị trường Mỹ về doanh số. Apple và các sản phẩm của công ty này nhận được sự ngưỡng mộ lớn ở Trung Quốc nhưng gần đây, ‘Quả táo khuyết’ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các đối thủ nội địa bao gồm Huawei, công ty vừa vượt qua Samsung và Apple để trở thành nhà bán điện thoại thông minh hàng đầu thế giới trong quí 2-2020.

Tuần trước, Apple cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc của công ty này tăng nhẹ lên 9,33 tỉ đô la, chiếm khoảng 16% tổng doanh thu của Apple trong ba tháng kết thúc vào ngày 27-6. Doanh số của Apple cải thiện nhờ chính sách giảm giá các mẫu iPhone 11 và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sớm hơn với phần còn lại của thế giới.

Dù Tòa án tối cao Trung Quốc cho rằng bản quyền trợ lý ảo giọng nói của Shanghai Zhizhen có giá trị pháp lý nhưng tòa án ở Thượng Hải vẫn có thể nhận thấy rằng công nghệ nền tảng đằng sau Siri và trợ lý ảo giọng nói của Shanghai Zhizhen đủ khác biệt để ra một phán quyết có lợi cho Apple.

Các xung đột về tài sản sở hữu trí tuệ, công nghệ và thương mại đang đẩy mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc xuống điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Tuần trước, Tổng thống Doanld Trump đe dọa sẽ cấm ứng dụng video ngắn TikTok của Công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc) vì lý do an ninh quốc gia.

Hôm 3-8, ông yêu cầu trong vòng 45 ngày tới, ByteDance phải bán mảng hoạt động của TikTok tại Mỹ, nếu không, sẽ bị yêu cầu rút khỏi nước này. Hiện nay, Tập đoàn Microsoft đang đàm phán với ByteDance để mua lại toàn bộ hoạt động của TikTok tại Mỹ.

Apple đã phải đối mặt với ba vụ kiện về bản quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc kể từ năm 2012, khi Apple đồng ý trả 60 triệu đô la để dàn xếp tranh chấp bản quyền thương hiệu ‘iPad’ với công ty Proview Technology ở Thâm Quyến. Trước đó, Proview Technology đòi Apple bồi thường đến 1,6 tỉ đô la.

Bốn năm sau đó, Apple thua một vụ kiện tranh chấp  bản quyền thương hiệu khác khi một tòa án ở Bắc Kinh ra phán quyết ủng hộ Công ty Beijing Xintong Tiandi Technology (Trung Quốc), chuyên sản xuất túi xách, vỏ điện thoại thông minh và các mặt hàng da thuộc khác dưới nhãn hiệu ‘IPHONE’.

Theo Wall Street Journal, China Daily