CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bài toán mới cho đầu tư khu công nghiệp

Invest Global 10:25 03/08/2020

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, dòng vốn đầu tư ở các quốc gia và địa phương có nhiều chuyển dịch, câu chuyện nên hay không nên đóng cửa bớt các khu công nghiệp (KCN) đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Nơi cắt bớt, nơi mở thêm

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM đã đề nghị Trung ương cho phép TP.HCM xóa quy hoạch 3 dự án KCN, bao gồm: KCN Bàu Đưng (diện tích 200 ha), KCN Phước Hiệp (175 ha) đều tại huyện Củ Chi; và KCN Xuân Thới Thượng (300 ha) ở huyện Hóc Môn. Theo UBND TP.HCM, đây là những dự án KCN đã quy hoạch treo nhiều năm và đề xuất xóa khỏi quy hoạch cũng đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư đồng ý.

Cũng trong tháng 5/2020, tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn. Theo đó, giữa tháng 7 vừa qua Chính phủ đã đồng ý để địa phương này đưa KCN Tân Phú (diện tích 328 ha) ra khỏi Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020. Ngay sau đó, tỉnh Đồng Nai cũng đã đề xuất với Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa KCN Biên Hòa 1 có quy mô 335 ha ra khỏi quy hoạch, đồng thời ra chủ trương xem xét ngừng mở rộng và xây mới các KCN trong giai đoạn hiện nay.

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở nhiều tỉnh thành đang ở mức thấp

Ở chiều ngược lại, cuối tháng 6/2020, UBND tỉnh Long An đã liên tiếp cấp phép cho các chủ đầu tư khởi công 5 khu, cụm công nghiệp mới tại các huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi điều chỉnh giảm 15 ha đối với KCN Mỹ Xuân B1 – Conac cũng đã được Chính phủ chấp thuận cho phép mở thêm KCN 450 ha tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ…

Trên quy mô toàn quốc, theo thống kê hiện nay Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đề xuất Chính phủ cắt giảm khoảng 18.200 ha đất KCN tại 15 địa phương. Các tỉnh, thành có diện tích đất KCN bị cắt giảm nhiều nhất là Thanh Hóa (giảm 4.327 ha), Quảng Bình (giảm 2.020 ha), Nghệ An (giảm 4.175 ha) và Bình Định (giảm 1.242 ha). Trong khi đó, Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đề nghị tăng 4.644 ha diện tích quy hoạch đất KCN cho 9 địa phương với mục tiêu hỗ trợ các tỉnh thành này chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư sau đại dịch Covid-19.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng

Theo nhận định của nhiều chuyên gia lĩnh vực đầu tư nước ngoài, việc Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất cắt giảm diện tích đất KCN ở các địa phương trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nhiều KCN tại các địa phương này đã “treo” từ nhiều năm nay, gây lãng phí tài nguyên và các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường sống. Tuy nhiên, việc một số địa phương có thế mạnh trong việc thu hút đầu tư đã chủ động điều chỉnh cắt giảm diện tích đất KCN hoặc hạn chế mở mới KCN trong giai đoạn này cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi hiện nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại lan rộng trên toàn cầu, làn sóng đầu tư nước ngoài đã có sự chuyển dịch đáng kể và Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến đầy hấp dẫn.

GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng theo chủ trương chung của Chính phủ thì các địa phương có KCN chưa được lấp đầy thì không được lập mới KCN. Bên cạnh đó, KCN không thu hút được nhà đầu tư thì nên chuyển sang hoạt động khác hoặc trả lại đất cho nông dân làm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làn sóng FDI ở nhiều quốc gia đã có sự dịch chuyển. Trong khi với nhiều lợi thế về địa chính trị, chi phí nhân công, cộng thêm thành tích khống chế tương đối tốt dịch bệnh, Việt Nam là một trong những quốc gia được nhiều tập đoàn lớn chọn làm điểm đến mới. Vì vậy, trong lúc này nếu các địa phương có điều kiện thuận lợi chuẩn bị sẵn các KCN có đầy đủ hạ tầng để nhà đầu tư nếu đến, có thể đưa dây chuyền vào sản xuất ngay thì sẽ tranh thủ được dòng vốn lớn từ làn sóng FDI thế hệ mới.

Mặc dù cũng đồng tình với ý kiến của ông Mại, tuy nhiên một số doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản KCN tại TP.HCM lại cho rằng các địa phương cần hết sức thận trọng trong việc mở mới các KCN. Nguyên nhân do có thể trong thời điểm này một số ngành, lĩnh vực có điều kiện thu hút đầu tư do sự dịch chuyển của các nhà máy tại các quốc gia đang bùng phát mạnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19 thì không có gì chắc chắn việc giữ chân nhà đầu tư và lấp đầy các KCN có được như kỳ vọng hay không. Chưa kể rằng với chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, trong những năm đầu hầu như địa phương không có nguồn thu từ thuế đối với các KCN mới mở.

Thực tế, theo khảo sát của Bộ Tài nguyên - Môi trường, hiện nay hàng loạt các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh thành đều trong tình trạng “đói nhà đầu tư”. Ở Bắc Trung bộ, các KCN lớn như Hoàng Mai 1, Đông Hồi (thuộc Nghệ An); KCN Đại Kim (Hà Tĩnh), KCN Quảng Vinh (Thừa Thiên - Huế) đều đang bỏ hoang hàng ngàn ha đất, không thu hút được đầu tư. Tương tự tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên, các KCN như Nghị Đức (Bình Thuận), Chư Pah, Thăng Hưng (Gia Lai) cũng đều đang vắng bóng các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Thậm chí ngay tại các đô thị lớn như Hà Nội, hiện nay các dự án KCN như Cam Thượng, Quang Minh II, Phụng Hiệp… cũng đang phải lùi thời gian hoàn thiện vì mặc dù được quy hoạch để đón làn sóng thu hút “đại bàng”, nhưng việc thu hút đầu tư nhiều khả năng sẽ không được như kỳ vọng.

Luồng ý kiến này cho rằng, bên cạnh những lợi thế tĩnh như chi phí nhân công… hiện vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách chưa được hóa giải và điều đó đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngần ngại.

Tỷ lệ lấp đầy thấp, nhiều nơi vẫn xin mở thêm KCN

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ngoài 24 tỉnh thành trọng điểm đã được bộ này rà soát đất đai phát triển KCN, thời gian qua Bộ cũng đã nhận được đề xuất tăng diện tích đất quy hoạch phát triển KCN trong năm 2020 của nhiều địa phương, bao gồm: Lào Cai, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Bình, Bình Phước, Kon Tum, Lâm Đồng, Long An và Hậu Giang. Tuy nhiên theo khảo sát của Tập đoàn CBRE, tỷ lệ lấp đầy các KCN ở các tỉnh xa vùng kinh tế như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh ở phía Bắc; Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu ở phía Nam hiện nay chỉ khoảng 58-76%. Mức này thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình 83-91% đối với các KCN thuộc các tỉnh, thành nằm trong các vùng kinh tế trọng điểm.

Doanh nghiệp - Doanh nhân