CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bất động sản văn phòng vẫn duy trì được nguồn cầu tại Hà Nội và TP.HCM

Invest Global 14:54 19/10/2020

Trong thời gian tới, mặc dù chịu áp lực của suy giảm kinh tế, nhưng thị trường bất động sản văn phòng vẫn duy trì nguồn cầu ổn định nhờ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển nguồn vốn FDI từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bất chấp dịch Covid-19, bất động sản văn phòng vẫn là điểm sáng trên thị trường trong quý III vừa qua (Ảnh: Int)

Theo bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc Bộ phận cho thuê thương mại, Savills TP.HCM, trước bối cảnh nguồn cung mới tại khu vực trung tâm TP. HCM ngày càng hạn chế, nguồn cung ngoài trung tâm với giá thuê phải chăng sẽ giúp khách thuê tối ưu hóa chi phí. Thời hạn thuê phổ biến từ 3 - 5 năm đã và đang giúp thị trường văn phòng vượt qua tác động của dịch bệnh.

Tại thị trường bất động sản văn phòng TP.HCM, tổng nguồn cung đạt gần 2,2 triệu m2, tăng 1% theo quý và 13% theo năm. Nguồn cung mới đạt hơn 13.300 m2 từ 4 dự án hạng C, thấp nhất trong 3 quý vừa qua.

Tăng trưởng nguồn cung liên tục tạo áp lực lên toàn thị trường. Đến cuối năm 2022, nguồn cung ước tính tăng bình quân 4%/năm, hơn 300.000 m2 từ 24 dự án tương lai sẽ gia nhập thị trường.

Dịch Covid-19 tiếp tục gây tác động lên nền kinh tế nói chung và tình hình hoạt động của thị trường bất động sản văn phòng nói riêng. Giá thuê trung bình dù so theo năm vẫn tăng 1% nhưng đã giảm 1% theo quý. Công suất trung bình giảm từ 97% vào quý I xuống còn 93% vào quý III/2020.

Hạng B có công suất thấp nhất trong 3 hạng, đạt 92%, giảm 1 điểm phần trăm theo quý và 5 điểm phần trăm theo năm, do nhiều khách thuê chuyển xuống phân khúc thấp hơn. Khoảng 30% dự án hạng B có mức giảm giá lên đến 10%.

Khảo sát của Savills tại TP.HCM cho thấy, thị phần theo diện tích thuê của nhóm ngành tài chính đã giảm 3 điểm phần trăm theo năm; trong khi nhóm ngành bất động sản tăng 2 điểm phần trăm, sản xuất, công nghệ thông tin và thương mại tăng 1 điểm phần trăm. Trong số các khách thuê chuyển đi khỏi các tòa hạng A và B được ghi nhận trong quý này, 54% đã dịch chuyển xuống phân khúc thấp hơn. Việc các khách thuê đánh giá lại nhu cầu văn phòng bắt đầu từ tháng 4 đã gây áp lực cho các dự án hạng A và B.

Tại thị trường bất động sản văn phòng Hà Nội, theo ông Lê Tuấn Bình, Trưởng bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội, lượng giao dịch trong quý III/2020 cao hơn so với 2 quý trước, nhu cầu đến từ các công ty và start-up ICT gia tăng.  

Tổng nguồn cung trên thị trường khoảng 1,9 triệu m2, tăng 5% theo quý và 4% theo năm. Dự án hạng A Capital Place mới ra mắt tại khu vực nội thành, cung cấp 93.300 m2, là tòa văn phòng lớn nhất tại Hà Nội. Trong 5 năm qua, hạng A và B tăng trưởng bình quân 6%/năm, hạng C tăng 3%/năm.

Giá thuê gộp trung bình tăng 6% theo quý và 3% theo năm, trong khi công suất thuê trung bình giảm 4 điểm phần trăm theo quý và 1 điểm phần trăm theo năm, chủ yếu do giá thuê cao tại Capital Place. Tổng diện tích cho thuê thêm 9 tháng năm 2020 đạt 11.300 m2, cao nhất tại phân khúc hạng B và khu vực phía Tây.

Lo ngại đối với dịch Covid-19 khiến nguồn cầu giảm đáng kể do thời hạn thuê ngắn và không gian mở. Tăng trưởng không còn mạnh mẽ như trong giai đoạn 2017-2019, các nhà vận hành đang thận trọng trong việc hợp tác với chủ nhà.

Yếu tố thúc đẩy thị trường văn phòng cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng là GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng dương, trong khi hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác sẽ suy giảm ở mức âm. Với mức tăng GDP dự kiến  6,3% vào năm 2021, Việt Nam sẽ vẫn là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á.

Hơn nữa, nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ tác động đến hoạt động thị trường nhờ các cam kết thuế quan, cạnh tranh nâng cao, nguồn vốn FDI mạnh mẽ và tăng trưởng kinh tế nói chung. Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khi ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia xem xét chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Việt Nam ngày càng được đánh giá cao với thành công trong việc ứng phó với đại dịch, hiệu quả và triển vọng kinh tế, cùng chi phí sản xuất thấp.

Dự báo về hoạt động của thị trường bất động sản văn phòng tại TP.HCM trong thời gian tới, bà Từ Thị Hồng An nhìn nhận, mặc dù thị trường chịu áp lực nhưng chỉ ngắn hạn, triển vọng vẫn tích cực. 

Nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn do dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 sẽ giảm ít nhất 20% theo năm. Tuy nhiên, khách thuê tiếp tục tăng khả năng đàm phán để đạt các ưu đãi từ chủ đầu tư. Nhưng trong dài hạn, điều này sẽ không kéo dài khi thị trường  sớm phục hồi nhờ triển vọng kinh tế tích cực.

Về thị trường Hà Nội, ông Bình dự báo, trong giai đoạn dịch bệnh, bất động sản văn phòng duy trì nguồn cầu ổn định cho dù các loại hình bất động sản khác chứng kiến sự suy giảm đáng kể. Về lâu dài, các chủ đầu tư văn phòng sẽ cần nâng cao các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và cách thức vận hành. Sự năng động trong quản lý dự án và hiệu quả trong thiết kế xanh là 2 yếu tố tạo nên sự thành công trong thu hút khách thuê.

Minh Trang

Doanh nghiệp - Doanh nhân