CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bỏ hình thức đầu tư BT, các dự án đang làm sẽ ra sao?

Invest Global 09:22 20/07/2020

(TBKTSG Online) - Sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021, trong đó có việc bỏ hình thức đầu tư BT. Hiện nay, vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất là các dự án đang thi công dở dang sẽ giải quyết như thế nào khi Luật PPP có hiệu lực?

Dự án đường Phạm Văn Đồng (TPHCM) được đầu tư theo hình thức BT - Ảnh: Anh Quân

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ 1-1-2021, doanh nghiệp chưa rõ hình thức đầu tư BT sẽ bỏ hẳn hay tạm dừng một thời gian?

Trao đổi với TBKTSG Online hôm 17-7, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, Luật PPP quyết định dừng triển khai dự án BT kể từ 1-1-2021 và dừng thực hiện dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư kể từ ngày 15-8-2020, nhưng không quy định rõ là dừng tạm thời trong một thời gian, hay là xóa sổ phương thức BT.

Trong khi, Luật Quản lý sử dụng tài sản công không sửa đổi, bổ sung, cũng không bãi bỏ phương thức đầu tư BT nên các điều, khoản này vẫn có hiệu lực, và doanh nghiệp hiểu rằng hình thức BT chỉ bị dừng triển khai một thời gian.

Ông Châu cho rằng, việc xã hội hóa đầu tư theo hình thức  BT là rất cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, trong những năm qua, do một số cơ chế chính sách, pháp luật chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, kể cả khâu thực thi pháp luật nên đã bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí đã có các “lỗ hổng”, dẫn đến thất thoát tài sản công (chủ yếu là đất đai, trụ sở làm việc), làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Hôm 14-7, Hiệp hội Bất động sản TPHCM đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị nên dừng triển khai dự án BT từ  năm 2020-2022, để có đủ thời gian hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để điều chỉnh loại hình đầu tư này.

Trong đó cần rà soát, sửa đổi đồng bộ  Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định 63/2018; Nghị định 69/2019; Luật Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản để đảm bảo tính khả thi, bịt kín các lỗ hổng để khởi động lại các dự án BT nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích công cộng.

Liên quan đến việc giải quyết các dự án BT đang triển khai khi luật PPP mới có hiệu lực từ đầu năm 2021, tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về công tác quản lý đầu tư đối với các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hôm 3-7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đã họp bàn với các sở ngành và chia các dự án PPP thành 3 nhóm.

Đối với nhóm những dự án BT đang trong giai đoạn hoàn thành thì tiến hành bình thường và thực hiện theo hợp đồng đã ký. Đối với nhóm những dự án BT đã ký hợp đồng và đang triển khai dở dang thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhưng thanh toán theo Nghị định 69/2019, nghĩa là phải đấu giá và báo cáo quỹ đất cho Thủ tướng Chính phủ. Riêng nhóm dự án mới đề xuất thì dừng theo quy định.

Ông Hoan cho biết, sắp tới thành phố sẽ đưa ra quy trình đầu tư PPP khác với trước đây. Điểm khác biệt lớn nhất là thành phố sẽ chủ động đưa ra các dự án để đấu thầu công khai, kêu gọi đầu tư thay vì để nhà đầu tư đề xuất như trước. Sự thay đổi này để tránh tính trạng nhà đầu tư nào đề xuất dự án rồi xin chỉ định thầu.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong giai đoạn 2015 - 2017, TPHCM đã thu hút được hơn 20.300 tỉ đồng từ tư nhân để đầu tư các dự án hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng). Nhiều công trình hạ tầng giao thông đầu mối quan trọng đã hoàn thành như cầu Sài Gòn 2; mở rộng Xa lộ Hà Nội; đường Phạm Văn Đồng; nhà máy xử lý nước thải kênh Tham Lương - Bến Cát...

Mời xem thêm:

TPHCM 2021: Đầu tư PPP khó khăn hơn vì không còn hình thức BT

Đầu tư PPP hết hấp dẫn vì phải... minh bạch?!

Khung pháp lý