CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cả nước có 31,8 triệu lao động thất nghiệp, giảm thu nhập vì Covid-19

Invest Global 14:39 07/10/2020

Tính đến tháng 9/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.    

Theo Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III/2020 của Tổng cục Thống kê, trong quý vừa qua, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động cũng được cải thiện so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị quý III cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.

Số người trong độ tuổi lao động tính đến hết quý III là 48,6 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với quý II nhưng lại giảm 638.900 lao động so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng lại giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ. Như vậy, thị trường lao động có dấu hiệu phục hồi sau khi chạm đáy ở quý II do tác động từ dịch Covid-19 nhưng vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái trước khi có dịch.

Đồng thời, số lượng lao động từ 15 tuổi có việc làm trong quý III là 53,3 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ. Trong đó, lao động có việc làm ở thành thị tăng 471.000 người so với quý trước đó và giảm 77.900 người so với cùng kỳ. Tương tự, chỉ số này ở khu vực nông thôn tăng hơn 1 triệu người so với quý trước nhưng giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ.

Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản lớn nhất, 32,4%, tương ứng với 17,3 triệu người. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, 31,2%, tương tương 16,6 triệu người, còn lại là khu vực dịch vụ, 19,4 triệu người.

Số lao động có việc làm phi chính thức là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước và tăng 149.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn cao hơn 13,4 điểm phần trăm so với khu vực thành thị, ứng với tỷ lệ 62,9% và 49,5%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là 2,5%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với quý trước nhưng tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. TP.HCM có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 4,3%, cao hơn 1,94 điểm phần trăm so với Hà Nội (2,36%).

Ngoài ra, báo cáo còn cho thấy thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động quý III đạt 5,5 triệu đồng, tăng 258.000 đồng so với quý trước nhưng lại giảm 115.000 đồng so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 6,3 triệu đồng, cao hơn 1,7 triệu đồng so với lao động nữ.

Cùng với đó, mức thu nhập bình quân của lao động ở 3 khu vực có tăng, trong khoảng 1,1-7,3% so với quý trước.

Thu nhập giảm mạnh

Tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc. Trong đó, 68,9% lao động bị giảm nhẹ thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong thời gian tới , cần  xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế

Thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành đều giảm; trong đó, giảm nhiều nhất ở các ngành: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 6,5%), dịch vụ lưu trú ăn uống (giảm 5,9%), vận tải kho bãi (giảm 4,9%). Bên cạnh đó, một số ngành có thu nhập tăng như thông tin truyền thông (tăng 1,7%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 3,3%).

Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức trong 9 tháng năm 2020 là 5,5 triệu đồng, thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức (8,4 triệu đồng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức giảm 1,9%, thu nhập của lao động phi chính chính thức giảm 0,8%.

Về thu nhập bình quân, lao động có thâm niên làm việc càng cao thì mức giảm thu nhập càng thấp. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập 9 tháng năm 2020 của nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 năm trở lên có tốc độ giảm thấp nhất (giảm 0,6%), trong khi nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 tháng đến dưới 3 năm giảm 3,8%, nhóm lao động có thời gian làm việc dưới 3 tháng giảm 42,6%. Điều này cho thấy lao động mới tham gia thị trường là nhóm dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới tình hình lao động việc làm.

Dự báo về thị trường lao động  trong quý IV, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê nhận định: “Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thông, lưu chuyển hàng hóa đang trở lại bình thường sau khi khống chế thành công làn sóng dịch bệnh thứ 2 quay trở lại”.

“Thu nhập của người lao động cũng sáng sủa hơn hơn 3 quý đầu năm vì làn sóng Covid thứ hai quay trở lại, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đã có kinh nghiệm vừa chống dịch, vừa bao đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chúng ta một mặt triệt để phòng chống dịch, kiểm soát dịch, mặt khác vẫn để mọi hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh, lưu thông diễn ra bình thường”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết.