CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Các chuyên gia đánh giá ra sao về đề xuất xây sân bay tại phía Nam Hà Nội?

Invest Global 09:47 05/10/2020

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp thì chưa nên xây dựng thêm một sân bay tại phía Nam Hà Nội, mà nên tận dụng và khai thác hết công suất sân bay Nội Bài.

Theo các chuyên gia, trong khi sân bay Nội Bài vẫn còn dư địa phát triển và mở rộng, việc đầu tư xây dựng một sân bay mới ngay trong vùng Thủ đô là chưa cần thiết (Ảnh: TL)

Như Thời báo Kinh Doanh đã đưa tin, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT- CTCP (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ 2 cho vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Ứng Hòa, phía Nam Hà Nội.

Song song với đó là việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm. 

Không phù hợp kết nối giao thông

Theo đề án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, phương án bố trí sân bay thứ 2 tại khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều ưu điểm về kết nối giao thông, tiếp cận đồng thời với cả 3 loại hình giao thông là đường bộ, đường thủy và đường sắt, thuận lợi về giải phóng mặt bằng, quỹ đất phát triển, tạo động lực mới cho Thủ đô…

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ nêu ra một nhược điểm là khu vực đề xuất làm sân bay có tuyến đường điện 500 kV Thường Tín - Nho Quan cắt qua.

Liên quan đến đề xuất này, nhiều chuyên gia đã có những phân tích, đánh giá và hầu hết đều cho rằng khó khả thi.

Theo KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc xây dựng sân bay đã từng được đặt trong Quy hoạch tổng thể năm 2030 và tầm nhìn năm 2050. Tại nhiều cuộc họp, hội thảo, một số đại biểu HĐND Hà Nội đã có ý kiến rằng, khu vực chủ trương xây dựng sân bay tại huyện Ứng Hòa là nằm trong hành lang thoát nước của Hà Nội, có độ trũng sâu.

Do đó, về mặt lý thuyết, không ai làm sân bay ở vùng trũng. Câu chuyện không phải là đường băng cất cánh, hạ cánh mà còn là giao thông kết nối, là logistics, là công nghiệp phụ trợ, là xưởng lưu trữ các thiết bị đắt tiền để duy tu, sửa chữa…

“Rõ ràng nhiều năm qua, khu vực này dành phát triển nông ngư nghiệp, chứ không phải phát triển công nghiệp và đầu mối giao thông”, ông Ánh nói.

TS. Phan Lê Bình, giảng viên Chương trình Thạc sỹ Kỹ thuật Hạ tầng - Trường Đại học Việt Nhật (VJU) nhìn nhận, việc xây dựng sân bay mới ở Thủ đô không chỉ là xây dựng một sân bay đơn thuần, mà còn xây dựng đường kết nối giữa sân bay với trung tâm đô thị.

Đơn cử như sân bay Nội Bài kết nối với trung tâm Hà Nội đầy rủi ro vì lưu lượng ô tô tăng quá nhanh, cần thiết phải có hệ thống giao thông công cộng. Hơn nữa, việc xây dựng sân bay ở Ứng Hòa sẽ không thuận tiện kết nối giao thông vào trung tâm, lại lặp lại “vết xe” là chỉ có một con đường bộ duy nhất. Giả sử trong trường hợp nếu không có sân bay Nội Bài thì Ứng Hòa có thể là một lựa chọn.

Tuy nhiên, nếu chủ trương kết nối với khu phía Nam như Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hoá… thì sân bay Nội Bài vẫn đáp ứng đủ. Do đó, việc quy hoạch sân bay mới chưa thuyết phục.

Chưa cấp thiết đầu tư

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cũng cho rằng, việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất xây dựng sân bay ở Ứng Hòa chưa thuyết phục. Hà Nội nên tính đến kiện toàn, mở rộng sân bay Nội Bài. Không thể so sánh khu vực Đồng bằng sông Hồng như các tỉnh Đông Nam Bộ, bởi các tỉnh này là vùng công nghiệp phát triển rất mạnh. Hà Nội mới chỉ đang phát triển dựa vào “mác” Thủ đô.

“Sân bay Nội Bài là quy hoạch chiến lược từ trước đây, với khoảng cách từ sân bay tới trung tâm Hà Nội hiện nay là vừa phải. Hãy tập trung vào đây, không bắt chước Long Thành”, ông Võ nhấn mạnh.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Một điểm nữa mà GS. Đặng Hùng Võ lưu ý, đó là chuẩn bị nguồn vốn đầu tư cho sân bay này khá phức tạp. Hiện, thu ngân sách đang hụt bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tình trạng này có thể sẽ kéo dài trong một vài năm tới để đạt đến mức hồi phục. Như vậy để thấy, câu chuyện phát triển kinh tế của Việt Nam còn nhiều vướng mắc, chưa cần đầu tư sân bay mới.

“Đừng nghĩ đến xây dựng sân bay mới ở Hà Nội, đừng tốn đầu tư công vào các chuyện chưa cần thiết”, ông Võ nói.

TS. Phan Lê Bình cũng cho rằng, việc đầu tư xây dựng sân bay là công trình đầu tư công vô cùng lớn, đi kèm sẽ là hạ tầng giao thông kết nối cũng vô cùng lớn. Nếu nói về đầu tư công cho giao thông, tính đến nay, đường bộ cao tốc tại Việt Nam mới hoàn thành được 20% tổng quy hoạch. Trong bối cảnh đất nước đang khó khăn, mà nhu cầu chưa cấp thiết, lại chi thêm vài tỷ USD cho xây dựng sân bay này, e rằng ngân sách không thể đáp ứng được.

Về việc thủ đô và nhiều thành phố lớn trên thế giới có đầu tư xây dựng 2 sân bay, các chuyên gia cho rằng, đó là các thành phố có quy mô đô thị lớn, hoạt động kinh tế nhộn nhịp. Khoảng cách giữa hai sân bay cũng rất gần, nhưng lưu lượng hành khách lên đến hàng trăm triệu khách mỗi năm. Trong khi đó, sân bay Nội Bài vẫn còn dư địa phát triển, xung quanh Hà Nội đã có sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh), thì việc đầu tư thêm một sân bay mới ngay trong vùng Thủ đô là không cần thiết.

Hải Sơn