CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Các ngân hàng sắp có tin vui!

Invest Global 15:07 03/08/2020

(TBKTSG) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã đưa ra dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, theo đó dự kiến lùi thời gian điều chỉnh (giảm) tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn, hiện đang áp dụng ở mức tối đa 40%. Điều này giúp các ngân hàng thư thả hơn để có thêm nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thêm một lần nữa, NHNN có động thái hoãn việc điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Ảnh: THÀNH HOA

Không phải là lần đầu

Trước đó, Thông tư 22 ban hành vào cuối năm 2019 đã đặt ra lộ trình giảm tỷ lệ này về còn 37% từ ngày 1-10-2020, một năm sau đó tiếp tục giảm về còn 34% và cuối cùng sẽ nằm tại mức 30% từ ngày 1-10-2022.

Cụ thể, dự thảo thông tư sửa đổi lần này đưa ra hai phương án, gồm phương án 1 giãn ra thêm sáu tháng, tức chỉ bắt đầu điều chỉnh từ ngày 1-4-2021; và phương án 2 lùi lại đến một năm, tức đến ngày 1-10-2021 mới bắt đầu điều chỉnh. Lộ trình điều chỉnh sẽ kết thúc tương ứng theo hai phương án là vào thời điểm 1-4-2023 hoặc 1-10-2023.

Đây không phải là lần đầu tiên NHNN có động thái hoãn việc điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Trước đó vào năm 2016, NHNN cũng ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ này từ 60% xuống 50% từ đầu năm 2017, tiếp đó giảm xuống còn 40% từ đầu năm 2018; tuy nhiên trước những áp lực của việc điều chỉnh lên hoạt động của các tổ chức tín dụng, NHNN cũng đã phải giãn lộ trình qua Thông tư 19/2017/TT-NHNN, theo đó từ đầu năm 2018 chỉ giảm xuống còn 45% và từ đầu năm 2019 mới chính thức điều chỉnh về còn 40%.

Vì sao là vào thời điểm này?

Dịch Covid-19 đã tác động lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hoạt động giao thương trì trệ, gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cả người lao động.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong sáu tháng đầu năm 2020, có 56.227 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được cho là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.200 doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình này, nợ xấu của toàn ngành ngân hàng gia tăng là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, NHNN đã sớm yêu cầu các tổ chức tín dụng phải rà soát lại các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có các chính sách giảm, miễn lãi và cơ cấu nợ cho khách hàng. Theo báo cáo của NHNN, tính đến cuối tháng 6 các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 180.000 tỉ đồng; miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỉ đồng.

Dù vậy, theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, nợ xấu trong quí 2 tiếp tục tăng mạnh.

Trong khi đó, các khoản nợ tái cơ cấu theo kỳ hạn dài hơn trên một năm tất yếu cũng sẽ làm tăng dư nợ trung, dài hạn của các ngân hàng. Các khoản vay một khi chuyển thành nợ quá hạn, nợ xấu cũng sẽ tự động làm tăng dư nợ trung, dài hạn của các ngân hàng bất kể kỳ hạn ban đầu của khoản vay là bao nhiêu.

Cũng cần biết rằng để giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, các ngân hàng hoặc phải giảm dư nợ trung, dài hạn hoặc/và tăng nguồn vốn ngắn hạn lẫn trung, dài hạn. Nhưng hoạt động huy động vốn hiện đang có nhiều hạn chế, khi mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể thời gian qua, cộng thêm diễn biến nổi sóng trở lại của các kênh đầu tư như vàng.

Thống kê cho thấy mặt bằng lãi suất huy động bình quân kỳ hạn dưới sáu tháng hiện nay đã giảm 14 điểm cơ bản so với tháng 6, trong khi kỳ hạn 6-11 tháng giảm đến 24 điểm cơ bản. Còn nếu so với cuối tháng 10-2019, thời điểm trước khi NHNN bắt đầu có đợt giảm trần lãi suất tiền gửi đầu tiên từ 5,5% xuống 5%, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn dưới sáu tháng đã giảm đến 125 điểm cơ bản và kỳ hạn 6-11 tháng giảm xấp xỉ 65 điểm cơ bản.

Ngoài ra, các ngân hàng từ trước đến nay luôn tối ưu sử dụng chênh lệch kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay để tăng biên độ sinh lãi, do kỳ hạn ngắn lãi suất thấp và kỳ hạn dài sẽ có lãi suất cao hơn. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, nếu giảm tỷ lệ này sẽ càng ảnh hưởng lên biên lợi nhuận của các ngân hàng, vốn đang phải chia sẻ, hy sinh bớt lợi nhuận để hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Nới lỏng cho các ngân hàng và hỗ trợ gián tiếp doanh nghiệp

Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống đến cuối tháng 3 nằm tại 25,52%; trong đó nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 28,92% và ngân hàng thương mại cổ phần là 28,7%, đều nằm dưới mốc 30% và cách xa so với quy định hiện nay là 40%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể đã bắt đầu tăng mạnh từ quí 2 năm nay, khi các khoản vay của nhiều doanh nghiệp có thể sớm trở thành nợ xấu và các ngân hàng buộc phải cơ cấu nợ cho khách hàng.

Như vậy, việc giãn tỷ lệ này sẽ giúp các ngân hàng có thể tiếp tục duy trì các chính sách cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng theo Thông từ 01 của NHNN ban hành hồi đầu năm nay, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Thứ hai là tránh gây áp lực lên lãi suất, kể cả các kỳ hạn ngắn và dài, tạo điều kiện cho các ngân hàng vẫn giữ được chi phí vốn thấp và duy trì các chính sách cho vay ưu đãi lãi suất hay giảm, miễn lãi cho khách hàng. Nói cách khác, việc giãn thời gian điều chỉnh tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn cho các ngân hàng cũng là cách hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp một cách gián tiếp.

Rõ ràng các tổ chức tín dụng đều kỳ vọng phương án 2 sẽ được chọn, tức lùi thời hạn đến một năm. 

Tài chính - Tín dụng