CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cải thiện tình hình xuất khẩu từ ‘sản xuất xanh’ cho doanh nghiệp Việt

Invest Global 08:55 24/04/2023

Xuất khẩu sợi tái chế hay nhựa tái chế được kỳ vọng sẽ giúp cho một số doanh nghiệp (DN) đầu tư vào mảng này có thể “lội ngược dòng” trong bối cảnh khó khăn chung. Tương tự như vậy, tình hình xuất khẩu vốn đang tăng trưởng chậm có thể được cải thiện trong thời gian tới nếu như DN Việt chú trọng vào “sản xuất xanh” và phát triển “thương hiệu xanh”, qua đó sẽ kéo được đơn hàng nhiều hơn.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 mới công bố của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cho thấy, doanh thu thuần đạt 288 tỷ đồng, giảm tới 55% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý vừa qua, doanh số và giá bán bình quân của STK thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do khách hàng trực tiếp lẫn gián tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng.

Sợi tái chế sẽ thay đổi cục diện

Giới quan sát nhận định hoạt động xuất khẩu (XK) của STK trong thời gian qua chưa có gì khởi sắc, nhưng từ quý 3/2023 có thể phục hồi, “lội ngược dòng” từ lợi thế mà mảng sợi tái chế mang lại (mục tiêu của STK là sợi tái chế sẽ chiếm 56% tỷ trọng sản lượng sản xuất trong năm nay).

-6848-1682082200.jpg

Đầu tư vào “sản xuất xanh” và phát triển “thương hiệu xanh” được kỳ vọng sẽ giúp các DN Việt kéo đơn hàng XK nhiều hơn.

Sợi tái chế được xem như “thương hiệu sản xuất xanh” của DN này và sẽ giúp cải thiện tình hình XK trong thời gian tới. Cách đây 2 năm, tỷ trọng sợi tái chế trên doanh thu của STK đã đạt 50%. Thông qua việc sản xuất sợi tái chế công ty đã tái sử dụng 3,04 tỷ chai nhựa - vốn đang là một trong những vấn đề môi trường đang được báo động khẩn cấp trên toàn cầu.

Giới chuyên gia lưu ý những bất cập từ sợi truyền thống (sợi tự nhiên và sợi tổng hợp) có thể làm trầm trọng thêm tình hình XK sợi nói riêng và XK dệt may nói chung của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn về đầu ra như hiện nay. Nhất là khi XK dệt may vừa trải qua quý 1/2023 với kim ngạch sụt giảm tới 17,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, sợi tái chế và các loại sợi phi truyền thống thân thiện với môi trường có thể giúp cho hoạt động XK sợi thay đổi cục diện. Theo Phó giáo sư Rajkishore Nayak (Đại học RMIT), việc sử dụng sợi tổng hợp tái chế đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, giúp giảm tiêu thụ nguyên liệu thô, năng lượng và hóa chất.

Ông Nayak cho rằng một số thương hiệu thời trang toàn cầu đã bắt đầu sử dụng các loại sợi mới phi truyền thống để giảm tải cho môi trường. Cho nên các nhà sản xuất ở Việt Nam cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để mở rộng quy mô sản xuất các loại sợi này. Ngoài ra, các nhà sản xuất máy móc cũng cần phát triển công nghệ phù hợp để thu hoạch và sản xuất nguyên liệu thô như xơ và sợi bền vững với quy mô lớn.

Trở lại trường hợp của STK, bộ phận phân tích của VnDirect kỳ vọng nhà máy Unitex (ở tỉnh Tây Ninh) của DN này ở giai đoạn 1 sẽ chạy thương mại trong quý 1/2024, nâng tổng công suất STK lên 96.000 tấn/năm, nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với sợi tái chế ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Khi dự án Unitex hoàn thành, STK trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai tại Việt Nam vào năm 2025.

“Thương hiệu xanh” giúp kéo đơn hàng

Không chỉ với ngành sợi, theo giới chuyên gia, để cải thiện tình hình XK còn chậm chạp như hiện nay đang đòi hỏi các DN Việt cần chú trọng đầu tư nhiều hơn vào“sản xuất xanh”, phát triển “thương hiệu xanh” để kéo được đơn hàng XK về nhiều hơn.

Như tuần vừa rồi, CTCP nhựa tái chế Duy Tân đã khánh thành giai đoạn 1 nhà máy sản xuất nhựa tái chế với năng lực sản xuất lên đến 30.000 tấn/năm tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam thành công mô hình áp dụng công nghệ tái chế “Bottle to Bottle” – mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Hồi năm ngoái, nhà máy này đã tái chế hơn 1,3 tỷ chai nhựa được thu gom trong nước. Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam mà còn XK 4.200 tấn hạt nhựa tái chế sang 12 quốc gia bao gồm Mỹ và EU.

Giới chuyên gia cho rằng XK nhựa tái chế hay các sản phẩm túi nhựa công nghệ xanh tới thị trường EU có giúp các DN Việt đạt kim ngạch cao và tăng trưởng mạnh. Bởi vì đây là thị trường đi đầu trong việc cấm hoặc hạn chế sử dụng túi nhựa và các sản phẩm nhựa dùng một lần do ảnh hưởng tới môi trường.

Thực tế cho thấy, những thời điểm mà XK nói chung gặp nhiều khó khăn ở thị trường EU, nhưng với XK túi nhựa của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng là do các DN nhựa Việt Nam đã ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất các sản phẩm túi nhựa sinh học, tự phân hủy, đáp ứng được nhu cầu bảo vệ môi trường của thị trường EU.

Hoặc như ở nhiều thị trường XK chủ lực cũng đang yêu cầu bao bì nhựa phải được “xanh hoá”, tập trung vào hàm lượng tái chế, đang đòi hỏi các DN Việt cần biết rõ để tránh những trường hợp hàng hoá xuất đi lại bị từ chối.

Như lưu ý của ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, hoạt động XK của Việt Nam có độ mở rất lớn với thế giới. Vì thế, trong vấn đề về bao bì, thế giới có quy định gì thì các DN cần phải tuân thủ theo.

Đứng ở góc độ chuyên gia, Ts. Nancy Snow, Giáo sư danh dự Đại học bang California, Fullerton (Mỹ) kiêm cố vấn thương hiệu quốc gia cho chính phủ Nhật Bản, cho rằng Việt Nam đang có cơ hội đặc biệt để định vị mình trên trường quốc tế như là một “quốc gia xanh” – với những thương hiệu quốc gia mạnh, đạt chuẩn xanh, đại diện cho đất nước trên thị trường toàn cầu.

Cho nên, xét về khó khăn của XK khi tăng trưởng chậm như từ đầu năm đến nay, điều mà các DN Việt cần làm trong lúc này để cải thiện tình hình là nên chú trọng nhiều hơn đến “sản xuất xanh”, phát triển “thương hiệu xanh”, góp phần đưa Việt Nam hướng đến “thương hiệu quốc gia xanh”. Có như vậy, các DN mới tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường XK, từ đó thúc đẩy tăng trưởng XK.

                                                                                 Thế Vinh

Ý kiến chuyên gia