CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cần 10 năm để tạo dựng thị trường xe năng lượng mới

Invest Global 08:38 26/09/2024

Theo ông Liu XueLiang, Trung Quốc cần 10 năm để xây dựng thị trường xe năng lượng mới, Việt Nam cũng sẽ cần khoảng thời gian tương tự

Trả lời phóng viên Nhadautu.vn và đoàn truyền thông Việt Nam tại trụ sở hãng này ở Thâm Quyến, Trung Quốc ngày 24/9, ông Liu XueLiang, Tổng Giám đốc BYD khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, để "phủ xanh" thị trường xe như hiện tại, Trung Quốc cần 10 năm.

"Từ 10 năm trước, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra loạt chính sách tài trợ về thuế, tiền mặt, hạ tầng cho các doanh nghiệp xe năng lượng mới. Hiện tại như các bạn đã thấy, xe năng lượng mới xuất hiện tràn ngập Trung Quốc. Sau 10 năm, dưới độ mở của chính sách và các ưu đãi, thị trường xe năng lượng mới Trung Quốc đã phát triển vượt bậc như thế, điều mà khoảng thời gian trước đó nhiều người còn không tin", ông Liu nói.

So sánh thị trường Việt Nam với Thái Lan, ông Liu cho rằng, thị trường trăm triệu dân sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển thị trường xe năng lượng mới, tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm.

Ông Liu XueLiang, Tổng Giám đốc BYD châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Liên Thượng.

"Trước dịch COVID-19, Chính phủ Thái Lan có đưa ra một mục tiêu là 30-30. Nghĩa là đến năm 2030, 30% thị phần xe ô tô tại Thái Lan sẽ là xe năng lượng mới. Vì vậy, chính phủ nước này đã đưa ra hàng loạt chính sách như miễn giảm thuế về 0% khi nhập xe. Thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe năng lượng mới là 2%, trong khi xe xăng là 8%. Đồng thời, người dân Thái Lan rất tích cực ủng hộ xe năng lượng mới. Một số quốc gia cùng khu vực như Indonesia, Philippines cũng đang có nhiều chính sách tương tự. Việt Nam chưa có quá nhiều ưu đãi như thế này", ông Liu phân tích và cho biết hãng đang xem xét có thể nhập khẩu xe từ Thái Lan về Việt Nam để giảm bớt gánh nặng về thuế.

Theo ông Liu, Việt Nam muốn phát triển thị trường xe năng lượng mới, cũng cần ít nhất 10 năm. Đại diện BYD cam kết sẽ cùng các nhà đầu tư, đối tác, các nhà phân phối chung tay mang lại những trải nghiệm thiết thực và quý giá nhất để người dùng Việt Nam hiểu về tác dụng của xe điện.

"Chính phủ Việt Nam chắc chắn hiểu rất rõ và nghiên cứu sâu sắc về ngành ô tô nói chung và xe năng lượng mới nói riêng. BYD vẫn tuân thủ và triển khai theo đúng quy định của nước sở tại", ông Liu cho biết.

Về vấn đề xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam, ông Liu cho biết, điều này nằm trong chiến lược phát triển đồng bộ của hãng này tại khu vực Đông Nam Á.

"Thực ra, Việt Nam là quốc gia đầu tiên chúng tôi đặt nhà máy (sản xuất pin, linh kiện điện tử... - PV) tại khu vực châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, để sản xuất ô tô, còn liên quan đến nhiều vấn đề từ trung ương đến địa phương. Chúng tôi vẫn đang làm việc với chính quyền của nhiều tỉnh thành ở Việt Nam để có thể làm nhà máy sản xuất ô tô. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn không thể chia sẻ gì thêm", ông Liu nói.

Đồng thời, đại diện hãng cũng cho biết sẵn sàng tham gia cung ứng phương tiện vận chuyển công cộng như xe bus điện, sky shutter (tàu điện tự động - PV)...

Từ 23/9 - 26/9, đoàn truyền thông Việt Nam có chuyến thăm và làm việc tại trụ sở của BYD ở Thâm Quyến và nhà máy sản xuất pin của thương hiệu này tại Trùng Khánh. Tại buổi làm việc, đại diện BYD châu Á - Thái Bình Dương và BYD Việt Nam đã đón tiếp và giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của hãng, về trụ sở rộng 760.000m2 tại Thâm Quyến cũng như tham quan nhà máy sản xuất pin có diện tích 1 triệu m2 với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD ở Trùng Khánh.