CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cần cơ chế, chính sách đột phá thu hút đầu tư phát triển chuỗi logistics hành lang kinh tế Đông-Tây

Invest Global 11:37 05/08/2022

Dù có nhiều lợi thế, nhưng các địa phương của Việt Nam nói riêng và các quốc gia thành viên nói chung vẫn còn nhiều điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Quá nhiều hạn chế "kìm chân"

Ngày 4/8, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) nằm trong mạng các hành lang kinh tế trong Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS). Hành lang này dài 1.450km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ TP. Mawlamyine (Myanmar), qua Thái Lan, Lào và kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam tại TP. Đà Nẵng.

Sự ra đời của hành làng kinh tế Đông - Tây sẽ đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên. Đồng thời, đây là cơ hội cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; mở cửa cho hàng hoá của các quốc gia trong hành lang thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á, Châu Âu và Châu Mỹ…

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công thương) cho rằng, hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có gần 1.500 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics như: dịch vụ vận tải, dịch vụ kho bãi, giao nhận, đại lý tàu biển, đóng gói bao bì, ký mã hiệu, thủ tục hải quan... của cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

hanh-lang-kinh-te-dong-tay (2) Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin, dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố chưa có sự phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Nguyễn Tri

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố cũng được quan tâm, nâng cấp như: Dự án nâng cấp cảng Tiên Sa - Liên Chiểu giai đoạn 2 (đã hoàn thành tháng 7/2018 nâng khả năng tiếp nhận tàu từ 1.800 TEU lên 3.5000 TEU); Dự án Cảng Liên Chiểu (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tự tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ, hiện đang ưu tiên triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công dự án vào tháng 9/2022); Dự án di dời ga Đà Nẵng, xây dựng ga Kim Liên (đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương)...

Theo ông Hải, mặc dù có lợi thế rất lớn để phát triển, ngành dịch vụ logistics của Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

Cụ thể, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để kết nối hiệu quả với hàng làng kinh tế Đông - Tây và cả nước; đồng thời, chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đa phương thức trong nội bộ thành phố và liên vùng, xuyên biên giới ngày càng lớn…

Về hàng không, sân bay Đà Nẵng hiện chủ yếu phục vụ hành khách, chưa phát huy vai trò vận tải hàng hóa và logistics hàng hóa hàng không. Không gian sân bay hạn chế, khó có thể mở rộng do hạn chế về quỹ đất. Các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Thứ hai, quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý của đội ngũ doanh nghiệp ngành logistics trên địa bàn còn hạn chế. Chưa hết, Đà Nẵng vẫn còn khó khăn trong thu hút nguồn hàng.

"Các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng có lượng hàng tại chỗ còn nhiều hạn chế. Việc thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên và luồng hàng đến các thị trường tiêu thụ như Lào, Campuchia, Thái Lan chưa đạt hiệu quả mong muốn", ông Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin, địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế khiến dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố chưa có sự phát triển mạnh mẽ.

"Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, quy mô thị trường còn nhỏ, hàng hóa chưa nhiều, nhu cầu dịch vụ logistics tăng trưởng chậm, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn dẫn dắt thị trường; chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo, thiếu sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp", ông Sơn thẳng thắn nhìn nhận.

Xây dựng chính sách ưu đãi

Cũng tại diễn đàn ông Dương Tiến Lâm, Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, thực tế hoạt động logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây còn chưa hiệu quả.

Mới chỉ có 2 tuyến vận tải thường xuyên đó là chặng Mukdahan (Thái Lan) – Savannakhet (Lào), Lao Bảo (Việt Nam) – Đông Hà; chặng Savannakhet (Lào), Lao Bảo (Việt Nam) – Đông Hà – Đà Nẵng.

hanh-lang-kinh-te-dong-tay (3) Ông Dương Tiến Lâm, Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, hoạt động logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây còn chưa hiệu quả. Ảnh: Nguyễn Tri

Một trong những nguyên nhân lớn khi các tuyến vận tải trên hành lang qua Việt Nam còn kém hiệu quả đó là thời gian để làm thủ tục, vận chuyển hàng hóa còn quá lâu; quy định tờ khai hải quan ở mỗi quốc gia mỗi khác, chưa áp dụng được tờ khai hải quan chung của ASEAN.

Còn ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho biết, trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây có những rào cản, "điểm nghẽn" về kết cấu hạ tầng.

Cụ thể, hiện nay, kết nối từ Myanmar về đến Lào và Việt Nam có hạ tầng không đồng bộ, dẫn đến việc khai thác vận tải bị đứt đoạn, khiến chi phí vận tải logistics rất cao.

"Nếu một chuyến hàng từ Đà Nẵng đến Yangoon (Myanmar) mất 28 ngày thì sức cạnh tranh của hàng hoá không cao", ông Chung chia sẻ.

Để tháo gỡ điều, ông Chung cho rằng, cần phải có hệ thống kết nối đồng bộ giữa các cửa khẩu và các tuyến đường để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải.

"Hiện nay, hệ thống vận tải của Thái Lan khác với tiêu chuẩn của Lào, Việt Nam. Như vậy, phải có cải cách về mặt thể chế để xây dựng các hiệp định vận tải thuận lợi, làm sao để qua các cửa khẩu không phải nâng container lên rồi chuyển xuống xe của nước thứ 2, liên tục như thế chi phí logistics rõ ràng phải tăng", ông Chung cho hay.

hanh-lang-kinh-te-dong-tay (1) Các đại biểu đã có phiên trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn Phát triển dịch vụ logistics trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Ảnh: Nguyễn Tri

Theo ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cần xây dựng các cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực logistics tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics trên hành lang kinh tế Đông – Tây.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp logistics phát triển. Bên cạnh đó, đối với TP. Đà Nẵng  phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút nguồn hàng từ các nước láng giềng thông qua nhiều hình thức.

"Về phía Bộ Công Thương, với vai trò cơ quan đầu mối phát triển logistics quốc gia, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương trong việc xây dựng và triển khai các quy hoạch về logistics, hỗ trợ xúc tiến thương mại, thu hút nguồn hàng và thu hút đầu tư trong lĩnh vực logistics", ông Hải nói.

Khung pháp lý