CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Châu Âu cuống cuồng kiểm soát làn sóng Covid-19 thứ hai

Invest Global 15:50 16/10/2020

(TBKTSG Online) - Làn sóng Covid-19 thứ hai ở châu Âu đang vượt tầm kiểm soát, khiến các lãnh đạo ở khu vực này cuống cuồng triển khai các biện pháp kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh chết chóc này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu giờ đây đã có hơn 7,2 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, gây dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại một phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Franco-Britannique ở Levallois-Perret thuộc vùng đô thị Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng đến mức trong vòng 24 giờ qua, Pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia, Anh tiến gần đến việc triển khai lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ hai và Đức giới thiệu một loạt quy định mới để kìm hãm tốc độ lây lan của dịch bệnh. Hôm 13-10, nhà kinh tế trưởng Ian Shepherdson ở Công ty Pantheon Macroeconomics, nhận định số ca nhiễm ở châu Âu đã vượt tầm kiểm soát.

Pháp ban bố tình trạng khẩn cấp

Hôm 14-10, chính phủ Pháp tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang điều trị tại các bệnh viện ở nước này vượt ngưỡng 9.100 ca lần đầu tiên kể từ ngày 25-6. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Pháp tăng lên mức 22.591 vào hôm qua, cao hơn nhiều so với con số 12.993 ca vào ngày trước đó.

Tình trạng khẩn cấp cho phép giới chức trách có thêm quyền lực để ứng phó với đà lây lan của dịch bệnh Covid-19. Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, thông báo chín trong số các thành phố lớn nhất Pháp, bao gồm Paris, sẽ phải thực hiện lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng trong vòng bốn tuần, bắt đầu từ ngày 17-10 tới.

Điều này có nghĩa là người dân ở các thành phố sẽ không được phép ra khỏi nhà vào giờ giới nghiêm, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Người dân muốn ra ngoài nhà vào giờ giới nghiêm cần phải điền vào một mẫu đơn nêu rõ lý do cần đi ra ngoài. Người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt tiền 135 euro. Mức phạt có thể lên 7.500 euro và sáu tháng tù đối với người vi phạm lệnh giới nghiêm ba lần.

Ngoài ra, Pháp cũng cấm người dân tổ chức tiệc tùng bao gồm tiệc cưới trên toàn quốc trong vòng bốn tuần.
Ông Macron nói: “Chúng ta phải hành động. Chúng ta cần chặn đứng đà lây lan của virus SARS-CoV-2”.

Đức siết chặt các quy định kiểm soát dịch

Sáng 15-10, Viện kiểm soát dịch bệnh Robert Koch (Đức) cho biết số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua ở Đức là 6.638, kỷ lục mới kể từ dịch Covid-19 ập đến nước này. Hôm trước đó, chính phủ Đức thông báo các biện pháp mới để kiểm soát dịch bệnh sau khi Thủ tướng Angela Merkel chủ trì họp kéo dài 8 tiếng với lãnh đạo của 16 bang để thảo luận về số ca nhiễm đang trỗi dậy ở nhiều nơi trên khắp nước.

Bà Merkel nhấn mạnh: “Chúng ta phải chặn đứng đà tăng số ca nhiễm theo cấp số nhân này càng nhanh càng tốt”.
Theo các quy định mới, nếu một khu vực ghi nhận có hơn 35 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong bảy ngày, người dân ở khu vực đó phải mang khẩu trang ở tất cả mọi nơi mà họ có tiếp xúc gần với người khác. Ngoài ra, số người được phép tụ tập ở những nơi công cộng và những khu vực riêng bị giới hạn lần lượt ở mức 25 và 15.

Khi số ca nhiễm mới ở một khu vực đạt mức 50 trên 100.000 người dân trong bảy ngày, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh sẽ càng siết chặt hơn, bao gồm các cuộc gặp ở những khu vực riêng bị hạn chế ở mức tối đa 10 người hoặc hai gia đình, các nhà hàng và quán bar phải đóng cửa sau 11 giờ đêm.

Với các biện pháp kiểm soát khác, chính quyền các bang có quyền quyết định có thực hiện hay không. Chẳng hạn, tuần trước, chính phủ Đức đưa ra quy định cấm người dân ở khu vực có rủi ro cao (có 50 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong bảy ngày gần nhất) đi đến nơi khác và ở lại qua đêm.

Tuy nhiên, có 5 bang từ chối thực hiện lệnh cấm này, trong khi đó, các bang khác cho biết sẽ điều chỉnh lệnh cấm để phù hợp với tình hình thực tế. Thủ tướng Merkel cho biết bà không hoàn toàn hài lòng với quyết định của các bang này và thừa nhận việc thực hiện lệnh cấm trên không dễ dàng.

Một pano ở nhà ga trung tâm Liverpool, Anh cảnh báo Liverpool đang ở mức rủi ro Covid-19 rất cao. Ảnh: Getty

Anh triển khai hệ thống cảnh báo ba cấp

Tại Anh, giới chức trách đang chật vật ứng phó làn sóng Covid thứ hai. Hôm 14-10, Anh ghi nhận số ca nhiễm mới trong vòng 24 giớ là 19.724 ca, mức cao kỷ lục kể từ dịch Covid-19 xuất hiện.

Trong tuần này, chính phủ Anh đã triển khai hệ thống cảnh báo Covid-19 mới theo ba cấp rủi ro: trung bình, cao và rất cao để áp dụng các mức phong tỏa phù hợp với tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương. Thủ tướng Anh, Boris Johnson nói rằng hệ thống cảnh báo ba cấp này là hướng đi đúng đắn, giúp tránh lệnh phong tỏa toàn quốc

Theo hệ thống cảnh báo mới, Liverpool và các khu vực ngoại ô bị xếp vào diện khu vực có rủi ro lây nhiễm rất cao bắt đầu từ ngày 14-10. Ở cấp cảnh báo cao nhất này, Liverpool và các vùng ngoại ô phải thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Các gia đình ở đây không được phép gặp nhau trong nhà hay bên ngoài nhà. Các phòng tập gym, trung tâm giải trí, các cửa hàng cá cược và sòng bài phải đóng cửa. Các quán rượu, quán bar cũng phải đóng cửa trừ phi họ chỉ bán thực phẩm.

Số ca nhiễm ở vùng đô thị Liverpool đang ở mức 670 ca trên 100.000 dân. Thị trưởng vùng đô thị Liverpool, Steve Rotheram, cảnh báo nếu người dân không tuân thủ lệnh phong tỏa theo cấp cấp báo rủi ro cao nhất, số ca nhiễm và tử vong sẽ tăng khắp nơi tại Liverpool.

Các biện pháp phong hỏa nghiêm ngặt này giờ đây có thể áp dụng ở các thành phố khác, bao gồm Manchester. Hôm 15-10, Thị trưởng Machester Andy Burnham đã gặp đội ngũ cố vấn y tế của Thủ tướng Boris Johnson để thảo luận bước đi tiếp theo.

Tuy nhiên, các bên chưa đạt được thỏa thuận xếp Manchester vào diện rủi ro rất cao. Ông Andy Burnham phản đối xếp Manchester vào cấp rủi ro lây nhiễm cao nhất vì cho rằng điều này không công bằng, đe dọa việc làm và doanh nghiệp ở địa phương. Hiện tại, Manchester đang được xếp vào diện rủi ro cao.

Hôm 15-10, chính phủ Anh nâng cảnh báo Covid-19 ở thành phố London từ mức rủi ro trung bình lên mức cao, cấp cảnh báo cao thứ hai trong thang ba cấp. Điều này có nghĩa là bắt đầu từ nửa đêm ngày 16-10, hàng triệu người dân London sẽ không được phép gặp gỡ ai ngoài gia đình của họ ở tại nhà riêng. Các quán rượu và nhà hàng ở London phải đóng cửa sau 10 giờ đêm.

Thị trưởng London, Sadiq Khan, nói: “Chúng ta đang ở thời khắc quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Dịch bệnh này đang lây lan nhanh ở khắp mọi ngóc ngách của thành phố chúng ta”. Ngoài London, nhiều địa phương khác cũng bị liệt vào diện rủi ro cao vào cuối tuần này gồm Essex, Barrow, York, Elmbridge,  North East Derbyshire, Chesterfield, Erewash.

Phần lớn các thành phố ở Anh đang ở mức cảnh báo trung bình, theo đó, người dân không được phép tụ tập quá sáu người ở bên trong nhà và ngoài nhà đồng thời các quán rượu và nhà hàng phải đóng cửa sau 10 giờ đêm.

Theo CNBC, BBC

Quốc tế