CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chủ dự án điện gió 3,5 GW ở Bình Thuận ký hợp tác với 4 nhà cung ứng

Invest Global 09:13 25/02/2021

(TBKTSG Online) - Ngày 24-2, Công ty cổ phần Phát triển Điện gió La Gàn, đơn vị phát triển dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3,5 GW đã ký bốn Bản ghi nhớ (MOUs) về việc hợp tác cung cấp móng cọc và cảng hậu cần.

Lễ ký kết vừa được tiến hành trực tuyến chiều ngày 24-2 để đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid tại Việt Nam.

Các Bản ghi nhớ này được ký kết với các nhà thầu tại Việt Nam gồm: Tập đoàn CS Wind, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC (PTSC M&C), Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí miền Nam (Alpha ECC) và Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro.

Theo đơn vị phát triển dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn thuộc sở hữu của Copenhagen Infrastructure Partners, Asiapetro và Novasia rằng: cung cấp móng cọc và hạ tầng cảng biển hậu cần là hai trong những yếu tố then chốt nhất trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi.

Việc ký kết các Bản ghi nhớ này đã tạo ra một liên minh quan trọng giữa dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn và bốn đơn vị cung ứng tiềm năng có nhiều kinh nghiệm hoạt động phong phú tại Việt Nam.

Việc hợp tác này sẽ đóng góp vào những nỗ lực đang diễn ra nhằm nội địa hóa chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của Việt Nam cũng như góp phần phát triển năng lực cạnh tranh của các đơn vị cung ứng trong nước trên thị trường quốc tế.

Theo một nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế do các chuyên gia quốc tế từ BVG Associates (chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới) thực hiện, dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn sẽ đóng góp hơn 4,4 tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời gian thực hiện dự án.

Dự án dự kiến sẽ tạo ra hơn 45.000 việc làm toàn thời gian (FTE) cho các lao động trong nước tại Việt Nam, trong đó 1 đơn vị FTE tương đương với 1 người làm việc toàn thời gian trong thời gian 1 năm. Tổng tỷ lệ nội địa hóa ước chiếm khoảng 45% trong toàn bộ chuỗi cung ứng dự án.

Khi ký kết các Bản ghi nhớ này, dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn và các đơn vị cung ứng cam kết sẽ cùng nhau hợp tác để thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Ngoài ra, dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn sẽ tạo điều kiện để chia sẻ kiến thức và tư vấn thiết kế móng cọc, bố trí cơ sở vật chất, các yêu cầu hậu cần và hạ tầng, nhằm giúp các đơn vị cung ứng có thể phục vụ thị trường điện gió ngoài khơi theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Theo bà Maya Malik, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Điện gió La Gàn, việc ký kết với bốn đơn vị cung ứng có trụ sở tại Việt Nam hôm nay khẳng định cam kết nghiêm túc của công ty trong việc tạo điều kiện chia sẻ kiến thức và thúc đẩy nội địa hóa ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Sự tham gia của Alpha ECC, CS Wind, PTSC M&C và Vietsovpetro cũng cho thấy các tập đoàn công nghiệp hàng đầu trong nước rất sẵn sàng đầu tư vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi Việt Nam, cũng như ủng hộ tầm nhìn của chính phủ Việt Nam về chuyển đổi xanh trong ngành năng lượng.

Kể từ khi ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận vào tháng 7-2020, dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các đơn vị cung ứng và cung cấp dịch vụ tích cực triển khai các hoạt động phát triển dự án.

Khi hoàn thành và đi vào hoạt động hết công suất, dự án dự kiến sẽ cung cấp năng lượng cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt mỗi năm và giúp giảm thiểu 130 triệu tấn khí thải CO2 trong suốt vòng đời dự án. 

Ngày 22 -7 - 2020, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), thay mặt quỹ CI New Markets Fund I, cùng với Asiapetro và Novasia Energy, đã ký MOU với UBND tỉnh Bình Thuận để phát triển dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5 GW tại tỉnh Bình Thuận.

Vào tháng 12-2020, CIP, Asiapetro và Novasia Energy đã thành lập công ty liên doanh - Công ty Cổ phần Phát triển Điện gió La Gàn - để phát triển Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn. 

CIP là nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi và đã huy động được hơn 14 tỉ đô la Mỹ thông qua một số quỹ tập trung vào năng lượng tái tạo, bao gồm quỹ CI IV gần đây nhất, đã được lập ra với mục tiêu trở thành quỹ năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.

Với Quỹ Thị Trường Mới I (CI New Markets Fund I), CIP đang quản lý một quỹ đặc biệt nhắm vào các nền kinh tế mới, đang phát triển nhanh và hiện đang tập trung đầu tư mạnh vào Việt Nam.

 

Doanh nghiệp - Doanh nhân