CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chưa rõ xuất xứ, ngành thép khó 'đứng vững'

Invest Global 14:10 04/11/2020

Việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại phần nào giúp ngành thép bảo vệ tốt hơn thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ một số quốc gia, nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

Liên tiếp trong thời gian vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép nhập khẩu.

Nhập khẩu thép giảm mạnh

Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại vừa chính thức ban hành Quyết định số 2717/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Các vụ kiện phòng vệ thương mại vẫn tiếp tục gia tăng với thép xuất khẩu của Việt Nam (Ảnh minh họa: Int) 

Theo đó, Quyết định số 2717/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc và Hàn Quốc chính thức có hiệu lực sau 5 ngày kể từ ngày ký, tức từ ngày 25/10/2020.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2716/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình chữ H gồm các mã HS: 7216.33.11, 7216.33.19, 7216.33.90, 7228.70.10, 7228.70.90 nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại đã giúp Việt Nam kiểm soát khá tốt việc nhập khẩu thép. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sắt thép các loại nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 9 tiếp tục giảm 15,3% về lượng và giảm 3,7% về kim ngạch so với tháng 8, đạt 1,01 triệu tấn, tương đương 629,49 triệu USD.

Tính chung trong 9 tháng năm 2020, nhập khẩu sắt thép đạt 10,36 triệu tấn, tương đương 6,05 tỷ USD với giá trung bình 584,2 USD/tấn. So với cùng kỳ năm trước, sắt thép nhập khẩu giảm 4% về lượng, giảm 15,9% về kim ngạch và giảm 12,4% về giá.

Theo bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, trước đây, Việt Nam đã có một giai đoạn “ngủ đông” khi chưa thực sự nhanh nhạy với việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Đến khi một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực thi, thuế nhập khẩu giảm sâu, tác động của quá trình hội nhập thể hiện rõ, thì công cụ này mới được sử dụng nhiều hơn.

Phải đến năm 2013, Việt Nam mới có vụ việc điều tra chống bán phá giá đầu tiên là đối với thép không gỉ, đến năm 2015 với thép mạ và năm 2016 là khởi kiện với thép hình chữ H nhập từ Trung Quốc. Từ đó đến nay, công cụ chống bán phá giá đã được sử dụng nhiều hơn trong ngành thép.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại trong ngành thép cần đẩy mạnh hơn nữa. Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tính đến hết tháng 9/2020, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra 9 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến các sản phẩm thép nhập khẩu, trong khi các nước kiện đến 62 vụ, gấp 7 lần kể từ năm 2004 cho đến nay.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt 0,1%, 5,3% và 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Trước các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành thép vẫn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, ngành thép phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường nước ngoài khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, cùng việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời, nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

Theo ông Phạm Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch VSA, từ nay đến cuối năm, với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xây dựng, đặc biệt là thúc đẩy triển khai tích cực các dự án đầu tư công theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sẽ là những yếu tố thuận lợi tác động tích cực tới sự phục hồi và tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng, trong đó có ngành thép. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thép cần tăng cường nghiên cứu thị trường, không chỉ trong nước mà cả thị trường khu vực và quốc tế để từng loại sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, các nhà sản xuất trong nước nên đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường xuất khẩu để giảm bớt áp lực trên thị trường trong nước và cạnh tranh tốt hơn với thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2020, ngành thép Việt Nam vẫn sẽ ghi nhận sự tăng trưởng nhờ vào quá trình hội nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư trong nước. Tuy nhiên, để tránh việc các sản phẩm thép gian lận xuất xứ tìm đường xuất khẩu thông qua Việt Nam, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng “hàng rào kỹ thuật” đối với sản phẩm thép nhập khẩu.

Thy Lê 

Doanh nghiệp - Doanh nhân