CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chuyển một số dự án PPP cao tốc thành đầu tư công

Invest Global 11:04 14/03/2020

(TBKTSG Online) - Trong Chỉ thị số 11 mới đây của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất vì dịch Covid-19, có đưa ra đề xuất chuyển đổi đầu tư một số dự án đối tác công tư (PPP) thành phần của cao tốc Bắc-Nam phía Đông (2017-2020) sang đầu tư công và có thể xem xét chỉ định nhà đầu tư. Việc đó sẽ được thực hiện như thế nào?

Dự án Cao Bồ- Bãi Vọt được đầu tư bằng vốn ngân sách đang được xây dựng. Ảnh: VEC

Dự án đầu tư một số đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thông qua chủ trương năm 2017 với việc xây mới 645 km đường bộ từ Bắc vào Nam. Đến nay đã có 3 dự án sử dụng ngân sách là Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (TT-Huế); Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) được đầu tư. Dự án đầu tiên đã và đang xây dựng. 8 dự án khác, trong đó có các dự án dài như Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,8 km) sẽ được đầu tư theo hình thức BOT.

Không bàn về 3 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách, mà 8 dự án thành phần (đã kết thúc sơ tuyển tháng 2-2020) có tổng vốn đầu tư 88.238 tỉ đồng (533 km). Trong số này, có 36.531 tỉ đồng là vốn nhà nước hỗ trợ; 41.367 tỉ đồng là vốn vay tín dụng và chỉ có 10.341 tỉ đồng vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của 8 dự án là khả năng tiếp cận hơn 40 ngàn tỉ đồng vốn vay tín dụng, cho dù khi gửi hồ sơ dự tuyển, các liên danh nhà đầu tư đều đã xuất trình các thư cam kết tín dụng của các ngân hàng.

Trong thời điểm nền kinh tế gặp khó như hiện nay, việc thực hiện thư cam kết đến khi ký được hợp đồng tín dụng chính thức lại càng khó. Bởi chỉ khi phương án tài chính hoàn vốn cho dự án rõ ràng thì các ngân hàng mới giải ngân. Nay, dự án mới dừng ở mức sơ tuyển. Chưa kể, nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng hiện đã ở mức cao. Các chỉ thị về giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ đủ điều kiện để “cứu” doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh càng khiến các ngân hàng gặp khó hơn với dòng tiền quay về. Tại thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mức thu phí của các dự án lại càng được xem xét kỹ hơn, để không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Các ngân hàng hiện vẫn khó cởi mở với các dự án BOT, BT giao thông vay vốn lớn, thời gian thu hồi kéo dài và chứa nhiều rủi ro trong hợp đồng dự án, nhất là can thiệp của Nhà nước vào mức phí trong một số thời điểm nhất định.

Với những khó khăn từ trước, 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ GTVT đặt lên bàn tính, phòng trừ trường hợp khó chọn được 8 nhà đầu tư đáp ứng được năng lực tài chính.
Với Chỉ thị 11 của Chính phủ, khả năng khi chưa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, Chính phủ sẽ dồn vốn ngân sách đã có trong kế hoạch đầu tư trung và dài hạn để “dồn sức” thực hiện 3 dự án. Hay nói khác đi là sẽ chuyển hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư ngân sách.

Bộ GTVT hy vọng rằng, nếu nguồn vốn nhà nước giải ngân cho các dự án đã được duyệt nhanh, các dự án chuyển đổi cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư nhanh thì Nhà nước có thể bán quyền thu phí các dự án cho nhà đầu tư, thu hồi vốn đầu tư các dự án khác.

Tài chính - Tín dụng