CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Công nghiệp hỗ trợ: Hình thành “sếu đầu đàn” | Báo Công Thương

Invest Global 08:52 28/05/2022

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển.

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Cần doanh nghiệp dẫn dắt

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển CNHT với kế hoạch cho giai đoạn 5 năm (2021 - 2025) và từng năm. Năm 2021, Hà Nội có khoảng 900 DN CNHT, trong đó, khoảng 300 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giá trị sản xuất thuộc lĩnh vực CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Công nghiệp hỗ trợ: Hình thành “sếu đầu đàn”

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài

Thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức hội chợ chuyên đề hàng năm kết nối các DN CNHT trong nước với đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ... Đồng thời, hỗ trợ 150 triệu đồng/đơn vị tham gia hội chợ quốc tế; hỗ trợ tối đa tới 50% chi phí đầu tư cho dự án đổi mới công nghệ. Hà Nội đã kêu gọi đầu tư 43 cụm công nghiệp. Dự kiến, trong năm 2022, sẽ khởi công hết 43 cụm công nghiệp và trong 1 - 2 năm tới, sẽ có hàng nghìn ha mặt bằng phục vụ DN phát triển sản xuất...

Hiện, DN CNHT trên địa bàn Hà Nội chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số DN trong nước đã nhận chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất khi đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Có DN đã phát triển, lớn mạnh hơn, song cũng có đơn vị không thành công. Điều đó đặt ra vấn đề phải hình thành tập đoàn, DN nội địa “đầu đàn”, tạo điều kiện DN CNHT phát triển.

Xây dựng kế hoạch phát triển bài bản

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, trên thực tế, CNHT phục vụ cho những ngành kinh tế chính, sản xuất sản phẩm hoàn thiện đòi hỏi ngày càng cao, vì vậy, muốn tồn tại bắt buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao. Vấn đề hiện nay của các DN CNHT Hà Nội không phải công nghệ mà quan trọng nhất là thị trường. Các DN đạt tiêu chuẩn quốc tế sản xuất sản phẩm không phải chỉ để phục vụ cho những công ty đa quốc gia ở Việt Nam, mà phải hướng tới nhiều thương hiệu toàn cầu khác. Để làm được điều đó, trước hết, yêu cầu nội địa hóa phải gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư FDI. Đó là cách gián tiếp thúc đẩy DN CNHT trong nước phát triển, tăng thị phần. Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho rằng, cần có các giải pháp toàn diện để giải quyết “bài toán gốc” là nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp về khoa học - công nghệ và tài chính, tăng cường hỗ trợ kết nối các DN trên địa bàn thành phố trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đa quốc gia.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng đề nghị, Sở Công Thương cần tăng cường hỗ trợ DN trên địa bàn cải tiến quy trình quản trị sản xuất, chuyển đổi số; tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu DN trong lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Công Thương trong việc tăng cường kết nối DN CNHT với DN sản xuất hoàn chỉnh cũng như các chính sách hỗ trợ về tín dụng từ nguồn ngân sách địa phương rất quan trọng.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP, trong đó sẽ có những chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư, phát triển hoạt động công nghiệp, đơn cử như chính sách cấp bù lãi suất. Đây sẽ là hành lang pháp lý để Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước có cơ sở xây dựng nhiều chương trình, đề án hơn trong thời gian tới.

Doanh nghiệp - Doanh nhân