CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

CPI tháng 7 tăng 0,4%: Thách thức mục tiêu năm 2020

Invest Global 09:14 30/07/2020

Enternews.vn Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng 6, trong đó có tới 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng trước. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7/2020 là giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 27/6/2020 và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài.

Mặc dù vậy, CPI tháng 7 vẫn giảm 0,19% so với tháng 12/2019 (mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020), và tăng 3,39% so với cùng kì năm trước. Bình quân trong 7 tháng năm 2020, CPI tăng 4,07% so với cùng kì năm ngoái.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2020 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 2,31% so với cùng kì năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 2,74% so với bình quân cùng kì năm 2019.

Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 27/6/2020 là một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 7 tăng.

Nhóm giao thông tăng nhiều nhất với 3,91% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 27/6/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 9,02% (tác động làm CPI chung tăng 0,37%).

Kế đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,47%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 2% và 0,25% khi nhu cầu sử dụng điện, nước tăng mạnh vào thời điểm thời tiết nắng nóng và do giá gas tăng 1,13%, giá dầu hỏa tăng 8,2%.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,3% do đây là tháng học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè nên nhu cầu vui chơi giải trí tăng cao.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,06%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,02% do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống, giải khát tăng (giá nước giải khát có ga tăng 0,11%, giá nước quả ép tăng 0,06%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục cùng mức tăng 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,17%.

Trong khi đó, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18% (trong đó: lương thực giảm 0,2% do giá gạo giảm 0,33%; thực phẩm giảm 0,3%); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%. 

Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do tình hình kinh tế thế giới dự báo tiêu cực, dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh, các nước đều đưa ra các gói kích thích kinh tế. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/7/2020 tăng 4,31% so với tháng 6/2020, cao nhất trong vòng 9 năm kể từ năm 2012.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân ngày càng có xu hướng giảm dần, về gần hơn với ngưỡng 4%. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều nhận định của các chuyên gia đều cho rằng có nhiều áp lực làm tăng chỉ số này trong những tháng cuối năm. PGS.TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, 6 tháng cuối năm 2020, thị trường, giá cả ở Việt Nam có hai nhân tố chính làm tăng CPI. 

Cụ thể, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch COVID-19 trên thế giới dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.

Ông Nguyễn Bá Minh cũng đưa ra 3 yếu tố sẽ kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2020 như tình hình dịch bệnh COVID-19, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kì vọng. Đồng thời, cung - cầu thịt lợn ở Việt Nam những tháng cuối năm 2020 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần hạ nhiệt, không cao như cuối năm 2019 do các doanh nghiệp đang tích cực tái đàn và nhiều nơi đạt kết quả tốt.

Theo PGS. TS. Nguyễn Bá Minh, hầu hết các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm (âm) từ -4,9% đến -7,6%. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ - Iran, Trung Quốc - Ấn Độ, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và trên bán đảo Triều Tiên đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Một khó khăn cực kỳ lớn trước mắt cho Việt Nam là việc sau 99 ngày khống chế thành công dịch bệnh COVID-19 thì đã ghi nhận 27 trường hợp mắc trong thời gian ngắn và con số này chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới. Làn sóng dịch tiếp theo đang diễn biến hết sức phức tạp sẽ khiến các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn, đứt gãy. 

Tuy vậy, nói như PTS.TS. Ngô Trí Long cần tiếp tục khẳng định niềm tin của thị trường vào kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ và các cơ quan chức năng. "Nhìn chung áp lực là có nhưng có thể vượt qua khi các cơ quan điều hành chính sách thận trọng và chú trọng kiểm soát lạm phát, như thế mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% có thể đạt được”, PGS.TS. Ngô Trí Long tin tưởng.

 

Mời các bạn tham gia vào Diễn đàn chuyên sâu: Doanh nhân, Doanh nghiệp, Diễn đàn bất động sản, Khởi nghiệp, Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn Tài chính

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết CPI tháng 7 tăng 0,4%: Thách thức mục tiêu năm 2020 tại chuyên mục Kinh tế vĩ mô của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Đánh giá của bạn: