CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cuộc ‘giải cứu’ hàng trăm dự án bất động sản tại TP.HCM - Bài 2: Doanh nghiệp mỏi mòn chờ giải cứu

Invest Global 15:02 19/11/2020

Sau khi TP.HCM lập tổ giải cứu các dự án bất động sản "đắp chiếu" để mỗi tuần bàn cách tháo gỡ vài dự án, các doanh nghiệp địa ốc vui mừng chờ kết quả dự án hồi sinh. Tuy nhiên, tới nay các doanh nghiệp đều trong trạng thái thất vọng vì mãi các dự án vẫn chưa thể triển khai.

Mòn mỏi chờ "giải cứu"

Còn nhớ tại cuộc họp bàn giải cứu dự án án ngày 22/2/2020 của TP.HCM, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cầu cứu UBND TP.HCM và đề cập đến việc, doanh nghiệp đã "kiệt sức" và xin được cứu xét cho tiếp tục thực hiện dự án khu dân cư tại khu đất 30,224ha phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM.

Theo ông Huy, đây là dự án đã đủ điều kiện bán hàng và số vốn bỏ vào dự án này lên đến 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tạm dừng dự án có khả năng khiến cổ phiếu của doanh nghiệp mất dần tính thanh khoản, dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.

Cụ thể, gây nợ xấu 50.000 tỷ đồng, gần 250.000 khách hàng biểu tình đòi trả nhà, đòi lấy lại tiền, gây mất trật tự, an ninh thành phố, gây kiện tụng quốc tế dây chuyền phức tạp, mất công ăn việc làm cho hàng chục nghìn gia đình, giảm niềm tin của doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư…

Ngoài ông Huy thì tại sự kiện này, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai) đã đề nghị các sở, ngành của TP.HCM quan tâm, sớm giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng đối với 6 dự án đang bị ách tắc nhiều tháng qua, gây thiệt hại rất lớn cho công ty và cán bộ công nhân viên, quan trọng nhất là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Bà Loan cho biết, do dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó, có đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng đất, nên công ty phải quay về Sở Kế hoạch và Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu. Đồng thời, do bất cập của các chính sách nên công ty mất hơn 3 năm mà chưa làm xong thủ tục, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh.

"Công ty không biết xoay xở vào đâu, dòng tiền thu - chi không chủ động được. Tất cả ách tắc này chỉ vì sự bất cập của các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, mà lỗi này hoàn toàn không phải do Công ty gây ra", Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai nói.

Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành tỏ ra rất bức xúc khi báo cáo tình trạng khó khăn của doanh nghiệp mình tại một dự án ở huyện Bình Chánh. Cụ thể, theo ông Nghĩa, Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 3/2019. Đến nay, đã gần 1 năm nhưng chủ trương đầu tư vẫn chưa được chấp thuận vì những bất hợp lý giữa các thông số kỹ thuật trong đồ án quy hoạch…

Bên cạnh đó là các lãnh đạo doanh nghiệp lớn như Himlamland, HungThinhCorp, Van Phuc Group, Hà Đô, Đất Xanh Group… cũng đưa ra tiếng nói và nêu lên những khó khăn của mình ở các dự án đang phải "đắp chiếu" quá lâu. Trong khi doanh nghiệp có đất mà không thể triển khai nhiều năm qua như Himlamland, Hà Đô…

Sau cuộc gặp gỡ này, các doanh nghiệp đã hào hứng hơn và có những doanh nghiệp đã chuẩn bị tiền bạc, nhân lực để đợi TP.HCM giải cứu xong dự án là bắt tay ngay vào triển khai xây dựng. Tuy nhiên, tới nay thì những hào hứng này đã mất dần. Một lãnh đạo của Tập đoàn Hà Đô cho biết hiện nay doanh nghiệp có 2 quỹ đất chờ triển khai dự án, máy móc đã tập kết ở dự án, nhà mẫu cũng đã xây dựng nhưng pháp lý chờ mãi vẫn chưa có. Đặc biệt từ năm 2016 tới nay doanh nghiệp không có dự án mới nào triển khai nên công ty gặp vô vàn khó khăn.

Đại diện Tập đoàn Novaland thì cho biết hơn 10 dự án cầu cứu ở TP.HCM hiện nay, chỉ có duy nhất 2 dự án được khơi thông, đó là hai dự án đã hoàn thiện và bàn giao nhà từ lâu cho cư dân và giờ TP.HCM khơi thông việc cấp sổ hồng cho cư dân. Còn các dự án "đắp chiếu" thì vẫn chưa có động tĩnh gì cho việc được cấp phép triển khai lại.

Chờ tới bao giờ?

Nhiều doanh nghiệp cho Phóng viên Nhadautu.vn  biết là họ không biết phải chờ đến bao giờ thì dự án mới được triển khai trở lại. Cụ thể lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP cho biết đầu năm 2020 sau khi được đưa lên bàn giải cứu, phía Chính phủ cũng có văn bản chỉ đạo UBND TP.HCM sớm giải cứu cho doanh nghiệp và dự án, doanh nghiệp cũng đã hoàn thành xong những yêu cầu về đền bù giải phóng mặt bằng mà UBND TP.HCM và Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra.

Thế nhưng, tới nay dự án này lại được UBND TP.HCM đẩy qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có ý kiến… Vậy là dự án này vẫn phải dài cổ đợi cơ quan chức năng đưa đẩy.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, hơn 100 dự án bất động sản tại TP.HCM (giai đoạn 2015 - 2018) vướng thủ tục đầu tư xây dựng hiện vẫn chưa được tháo gỡ. Về khâu hệ thống pháp luật, Luật Đầu tư mới, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 vừa được thông qua hồi tháng 6 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ giải quyết được các vấn đề ách tắc của các dự án bất động sản. Tuy nhiên, mảnh ghép cuối cùng vẫn còn thiếu là nghị định về đất đai của Chính phủ nếu ban hành sẽ giải quyết được việc xử lý các quỹ đất công, đất xen kẻ trong các dự án.

Còn về khâu thực thi pháp luật của chính quyền các địa phương ở các tỉnh, thành, Chủ tịch HoREA dẫn chứng, chẳng hạn như quy trình đầu tư xây dựng, tại TP.HCM luôn yêu cầu chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất mới được cấp giấy phép xây dựng, đây là nguyên nhân làm cho vốn đầu tư không được phát huy, bởi thủ tục quyền sử dụng đất phải mất thời gian dài có thể từ 3-5 năm. Tiếp đó là thời gian thi công các dự án cũng không dưới 3 năm, do đó, nếu cộng thời gian nộp tiền sử dụng đất với thời gian thi công sẽ khiến cho các dự án của doanh nghiệp bị kéo dài và gây phát sinh nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt hơn là không phù hợp với pháp luật hiện nay.

"Việc thực thi pháp luật của các địa phương hiện nay vẫn là một vấn đề cần quan tâm, do đó, thời gian qua HoREA vẫn luôn kiên trì đề nghị với TP.HCM phải cho thi công các dự án sau khi có quỹ đất, được công nhận chủ đầu tư thì nên cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư, đồng thời, thực hiện song song việc tính tiền sử dụng đất, điều này sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Còn hiện nay các dự án bị ách tắc vẫn chưa hề được tháo gỡ", ông Châu nói.

Còn mộ vị lãnh đạo Tập đoàn địa ốc lớn tại TP.HCM hiện nay cho biết họ đã quá mệt mỏi với việc phải chờ đợi được giải cứu dự án. Chính vì vậy, để tồn tại họ quyết định chạy đi qua các tỉnh lân cận là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… để phát triển dự án địa ốc. Xu hướng này giúp họ có thể tồn tại bởi có dự án bán, doanh nghiệp có dòng tiền và người lao động của doanh nghiệp không bị mất việc như những doanh nghiệp địa ốc khác.

"Chúng tôi đi, nhưng vẫn chờ ngày để trở về vì bao nhiêu công sức, tiền của của doanh nghiệp vẫn đặt tại TP.HCM. Tôi không biết lãnh đạo TP.HCM có biết rằng để sở hữu quỹ đất làm dự án, chúng tôi phải cầm cố ngân hàng vay tiền mua quỹ đất đó, tiền lãi ngân hàng hằng tháng rất lớn, nên các dự án càng lâu được triển khai thì doanh nghiệp càng khó khăn và quan trọng hơn nữa là TP.HCM không thu được thuế và ngân sách sẽ bị hao hụt, kéo chậm sự phát triển của TP.HCM lại", vị tổng giám đốc tập đoàn xin giấu tên nói.

Theo dõi tình hình hoạt động của UBND TP.HCM nhiều tháng qua, phóng viên và chính các doanh nghiệp cũng khá bất ngờ vì đã từ lâu việc giải cứu các dự án bất động sản đã không còn được đề cập tới.

Cụ thể trên trang web https://vpub.hochiminhcity.gov.vn/ của UBND TP.HCM trước kia cứ mỗi tuần sẽ cập nhập danh sách các dự án được đưa lên bàn họp giải cứu thì từ tháng 5/2020 tới nay đã không còn xuất hiện. Các cuộc họp kinh tế - xã hội hằng tháng của UBND TP.HCM cũng đã không còn nhắc tới việc giải cứu các dự án nữa.

(Còn nữa)

Theo Gia Huy - Lý Tuấn

Nhà đầu tư

Ý kiến chuyên gia