CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đại dịch khiến thế giới lập kỷ lục mới về nợ nần

Invest Global 14:59 21/11/2020

Con số này đi kèm lời cảnh báo của Viện Tài chính Quốc tế (IFF) về “cuộc tấn công của sóng thần nợ”...

Đại dịch Covid-19 đã đẩy mức nợ toàn cầu lên kỷ lục mới 272 nghìn tỷ USD trong quý 3 năm nay, hãng tin CNBC dẫn số liệu mới nhất từ Viện Tài chính Quốc tế (IFF) cho hay. Con số này đi kèm lời cảnh báo của IFF về "cuộc tấn công của sóng thần nợ".

Theo IFF, "núi" nợ của thế giới sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong những tháng sắp tới, có khả năng lên tới 277 nghìn tỷ USD vào cuối năm, tương đương 365% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ gộp lại.

Báo cáo được công bố trong bối cảnh các chính phủ trên thế giới đang cố gắng vực dậy nền kinh tế từ cú sốc mà Covid-19 gây ra, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống dịch như phong tỏa và giãn cách xã hội. Để bơm tiền vào nền kinh tế, các chính phủ phải chấp nhận vay nợ.

Về phần mình, các doanh nghiệp cũng buộc phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế do hoạt động kinh doanh rơi vào tình trạng gián đoạn. Công ăn việc làm trở nên bấp bênh, nhiều người tiêu dùng cũng phải vay nợ để chi tiêu.

Kết quả là khối nợ trong nền kinh tế toàn cầu được đẩy lên nhanh chóng.

"Chủ yếu do sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động vay nợ của Chính phủ và doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19, khối nợ toàn cầu tăng thêm 15 nghìn tỷ USD trong 3 quý đầu tiên của năm 2020 và hiện đang đứng trên ngưỡng 272 nghìn tỷ USD", IFF viết trong báo cáo Theo dõi nợ toàn cầu (Global Debt Monitor) công bố ngày 18/11.

Trong nhóm các nền kinh tế phát triển, mức nợ đã vượt 432% GDP trong quý 3, tăng 50 điểm phần trăm so với năm 2019. Mỹ - quốc gia thực thi các kế hoạch kích cầu với quy mô lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một nửa phần nợ tăng thêm này.

Tại khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), các nỗ lực cứu nền kinh tế của chính phủ khiến khối nợ công tăng thêm 1,5 nghìn tỷ USD trong quý 3, lên mức 53 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, mức nợ này vẫn thấp hơn mức nợ kỷ lục mọi thời đại 55 nghìn tỷ USD của Eurozone vào quý 2/2014, thời điểm mà khu vực này đang chìm trong khủng hoảng nợ công.

Tại các nền kinh tế mới nổi, mức nợ đã vượt 248% GDP. Trong đó, Lebanon, Trung Quốc, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước có mức tăng nợ mạnh nhất ở khu vực phi tài chính.

Cũng cần phải nói thêm rằng đại dịch Covid-19 không phải là nhân tố duy nhất dẫn tới sự gia tăng chóng mặt của khối nợ toàn cầu.

"Tốc độ tích tụ của nợ toàn cầu từ năm 2016 đến nay là chưa từng có tiền lệ, khiến tổng nợ tăng thêm trên 52 nghìn tỷ USD", IFF cho biết.

"Khoảng 15 nghìn tỷ USD trong số nợ tăng thêm này là được vay trong năm 2020 khi đại dịch hoành hành, nhưng số nợ tăng thêm trong 4 năm qua đã vượt xa con số 6 nghìn tỷ USD của 4 năm trước đó", báo cáo viết.

Mức nợ lớn đặt các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình vào tình thế rủi ro cao hơn khi kinh tế đi xuống, bởi họ sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán đúng hạn cả tiền gốc và tiền lãi của những khoản vay.

Quốc tế