CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Đại gia' bán lẻ thay tên liệu có... đổi vận?

Invest Global 09:41 13/04/2021

Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt. Nhiều thương hiệu bán lẻ lớn đã phải tự làm mới mình bằng cách thay đổi thương hiệu nhận diện, ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng... Điều này liệu có giúp các thương hiệu đứng vững khi hành vi tiêu dùng đang thay đổi?

Nhìn thấy tiềm năng từ thị trường bán lẻ Việt Nam, thời gian qua nhiều tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ của nước ngoài như: Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt.

Thay đổi, bắt kịp thời cuộc

Thời gian gần đây, một số thương hiệu bán lẻ lớn đã phải tự làm mới bản thân mình bằng việc đổi tên nhận diện thương hiệu dù tên gọi đó đã rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể, sau hơn 2 thập kỷ hoạt động và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, đại siêu thị Big C tái định vị thương hiệu bằng việc đổi tên thành đại siêu thị GO!.

Người tiêu dùng chờ đợi diện mạo mới của một số doanh nghiệp bán lẻ sau khi đổi tên trong năm nay. 

Lý giải động thái này, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam (đơn vị quản lý vận hành chuỗi đại siêu thị), cho biết trong bối cạnh tranh của thị trường bán lẻ, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực cải tiến để bắt kịp thị hiếu cũng như tâm lý mua sắm của người tiêu dùng trong tương lai.

"Để giữ vững vị thế cạnh tranh trong ngành bán lẻ, chúng tôi chắc chắn phải không ngừng thay đổi cải tiến để bắt kịp thời cuộc. Việc đổi tên là một trong những bước chuyển đổi chiến lược của chúng tôi nhằm đáp ứng nhu cầu mới mẻ, đa dạng của người tiêu dùng", bà Vân nói.

Một cái tên khác "nổi đình nổi đám" là Masan cũng tuyên bố đổi tên từ VinMart thành WinMart trong năm nay. Đồng thời để nâng cao sức cạnh tranh, mới đây Masan và Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc - SK) đã công bố về việc ký kết thỏa thuận SK mua lại 16,26% cổ phần của công ty nắm giữ cổ phần VinCommerce (VCM) với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD.

Còn nhớ cách đây vài năm, hệ thống Metro Cash & Cary Việt Nam cũng đã đổi tên thành MM Mega Market sau khi chuỗi siêu thị này về tay ông chủ người Thái.

Bên cạnh đổi tên, việc "bắt tay" để tăng thêm sức mạnh cũng được các DN bán lẻ hiện đại hoàn tất quá trình cổ phần hóa. Đơn cử như câu chuyện Hapro hoàn tất quá trình cổ phần hóa và trở thành thành viên của Tập đoàn BRG. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng Ban Đối ngoại Marketing, Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết tập tập đoàn BRG định hướng Hapro hợp nhất các thương hiệu như HaproMart, HaproFood, Intimex... thành hệ sinh thái phát triển chuỗi BRG, HaproFood BRG Mart. "Chúng tôi có kế hoạch đưa ra thị trường 100 điểm Hapro BRG Mart, siêu thị BRG Mart phục vụ người tiêu dùng trong vòng 5 năm tới", bà Huyền chia sẻ.

Bà Huyền nhìn nhận DN bán lẻ nội địa cần phải tích cực, chủ động thường xuyên đổi mới, để tạo khác biệt. Nếu liên tục đổi mới, sáng tạo chắc chắn DN sẽ tìm ra con đường tốt nhất cho mình trong quá trình hội nhập cạnh tranh.

Đổi tên đã đủ hấp dẫn người dùng?

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, việc tăng cường liên kết và hợp tác của các "ông lớn" bán lẻ với các đối tác trong và ngoài nước nhằm tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị. Đồng thời sẽ tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm và tin cậy đối với khách hàng qua việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước/khu vực/toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của DN trên thị trường.

Nhưng liệu việc đổi tên để làm mới mình, gia tăng dịch vụ, số hóa hoạt động... có đủ để các thương hiệu tồn tại trên thị trường? Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng lịch sử phát triển mấy chục năm nay của thương mại bán lẻ thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, nhiều DN đã coi tiêu chí quan trọng là văn minh thương mại để xây dựng một thương hiệu bán lẻ bền vững cho mình.

Theo ông Phú, đó là mối quan hệ trong giao dịch cần phải giữ gìn và coi trọng nhất. Kinh nghiệm của tập đoàn Walmart đi trước chúng ta mấy chục năm cho thấy, một bài học kinh nghiệm là: “Họ đã không quan ngại việc công bố số liệu tồn kho nội bộ của mình một cách thường xuyên cho các nhà cung ứng, kết quả là, hàng hóa ở kho và quầy hàng của Walmart luôn luôn được bạn hàng cung cấp một cách đều đặn, đầy đủ, với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh nhất. Chính vì vậy, họ đã trở thành một tập đoàn bán lẻ có sức cạnh tranh cao, mà nguyên nhân rất đơn giản, là họ giữ quan hệ bình đẳng, trách nhiệm, trung thực với các nhà cung ứng của mình.

Đáng chú ý, ông Phú đánh giá trên thị trường nội địa Việt Nam hiện nay cũng có nhiều DN bán lẻ trong và ngoài nước đang hoạt động, tuy nhiên chưa có nhiều DN làm được như Walmart. Tất nhiên, cách tổ chức quản lý kinh doanh của mỗi DN đều có những định hướng riêng và màu sắc khác nhau, không thể theo một khuôn phép nhất định, người tiêu dùng, bạn hàng của các DN bán lẻ cũng phải thông cảm cho điều đó.

Ngược lại, cũng phải xem xét thấu đáo về những mặt trái trong mối quan hệ mua bán ở thị trường Việt Nam hiện nay giữa các DN bán lẻ và các nhà cung ứng. Trong một vài năm gần đây, khi làn sóng M&A hoặc đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ vào thị trường Việt Nam phát triển nhanh chóng đã xuất hiện nhiều mối quan hệ tốt đẹp, được gây dựng nhưng đồng thời cũng có những mối quan hệ không được tốt đẹp cho lắm.

"Chính những câu chuyện như ép chiết khấu, ép giá, ép cấp, tạm dừng giao dịch đối với hàng trăm nhà cung ứng... đã làm phương hại đến thương hiệu mà họ đã gây dựng ở thị trường Việt Nam trong nhiều năm nay", ông Phú nói.

Theo vị chuyên gia này, việc tạo điều kiện cho khách khi mua sắm hàng hóa một cách văn minh, an toàn, có ý nghĩa sống còn với các nhà bán lẻ. Thị trường hiện nay rất cạnh tranh, vạn người bán, trăm người mua, chính vì vậy các DN bán lẻ cần phải xây dựng thương hiệu riêng cho mình theo các tiêu chí thương mại văn minh hiện đại của các nước phát triển. 

Ông Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Bộ Công Thương

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ hình thành các tập đoàn, DN lớn trong lĩnh vực phân phối, thực hiện chuyển dịch hệ thống phân phối sang các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Có thể nói, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong thời gian qua. Tính cạnh tranh trong thị trường cũng vì vậy mà ngày một khốc liệt hơn. Với một số thương hiệu đó là sự tăng trưởng số lượng cửa hàng, số khác lại phải đối mặt với việc tái cấu trúc để trụ vững ở thị trường này.

Bà Đặng Thúy Hà

Giám đốc công ty Nielsen miền Bắc

Trước đây, một người không hài lòng sẽ nói với 10 người, tuy nhiên trong thời đại này một người không hài lòng họ sẽ nói với 6.000 người trên kênh online về sản phẩm dịch vụ của mình. Có rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta hơn rất nhiều nước trên thế giới và trong khu vực về việc tận dụng những cơ hội khi khống chế thành công đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, muốn tận dụng cơ hội thì DN phải lấy khách hàng làm trung tâm, hiểu họ là ai, nhu cầu ra sao?.

Ông Lê Khánh Lâm

Phó Tổng giám đốc RSM Việt Nam

Các nhà bán lẻ Việt Nam đang phải vật lộn với những thay đổi trong toàn bộ hệ thống bán hàng cũng như mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp bất kể quy mô lớn hay nhỏ nếu không thuận theo dòng chảy của thị trường để tối ưu hóa lợi nhuận và thích nghi kịp thời thì rất dễ đứng ngoài cuộc chơi, dẫn đến hậu quả hàng loạt doanh nghiệp sẽ không thể bắt kịp thị trường và buộc phải đóng cửa.

Nhật Linh 

Doanh nghiệp - Doanh nhân