CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đề xuất mới về quản lý, sử dụng nhà đất phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước

Invest Global 08:44 15/01/2021

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, ngày 06/10/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg về việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý để Bộ Ngoại giao (Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn) triển khai nhiệm vụ chính trị được giao, phục vụ công tác đối ngoại.

Tuy nhiên, còn một số quy định tại Quyết định số 56/2014/QĐ-TTg đến nay đã phát sinh những bất cập, hạn chế cần phải sửa đổi, cụ thể: (i) Số tiền cho thuê nhà thu được sau khi trừ chi phí hợp lý, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính được hạch toán quản lý, sử dụng theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp. Nay, theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì phần trừ chi phí còn bao gồm: nguồn vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân; (ii) Chưa cập nhật nội dung quy định việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập theo pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với quy định mới; (iii) Bổ sung nội dung báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại cần được sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Do vậy, việc ban hành dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đầu tư phát triển các cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại theo hình thức liên doanh, liên kết

Theo dự thảo, việc đầu tư phát triển cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại theo hình thức liên doanh, liên kết không làm thay đổi chủ sở hữu nhà nước đối với các cơ sở nhà, đất và không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phục vụ đối ngoại được giao. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động đầu tư, phát triển cơ sở nhà, đất phục vụ đối ngoại.

Đơn vị sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại để góp vốn, liên doanh, liên kết phải lập đề án theo Mẫu số 02/TSC-ĐA ban hành kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại xem xét.

Thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

Điều kiện sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước như sau: Nhà, đất được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất; Nhà, đất được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để liên doanh, liên kết mà không do ngân sách nhà nước đầu tư; Việc sử dụng nhà, đất để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc sử dụng nhà, đất để liên doanh, liên kết không hình thành pháp nhân mới.

Về quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại để cho thuê; liên doanh, liên kết, dự thảo quy định: Đối với nguồn thu từ việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê phục vụ đối ngoại, sau khi chi trả các chi phí có liên quan, đơn vị quản lý, sử dụng tài sản công có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước.

Đối với các khoản thu từ liên doanh, liên kết được quản lý, sau khi chi trả các chi phí hợp lý có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phần được chia còn lại của đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.