CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đi tìm lời giải đưa kinh tế biển 'cất cánh'

Invest Global 07:52 13/06/2022

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất định, phát triển kinh tế biển được đánh giá là động lực tăng trưởng mới của Việt Nam, đưa nền kinh tế vượt qua những thách thức như "bẫy thu nhập trung bình", nguy cơ bỏ lỡ cơ hội vàng để phát triển... Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì cần phải tháo gỡ những khó khăn đang cản trở kinh tế biển phát triển trong thời gian qua.

Ban Kinh tế Trung ương vừa chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Diễn đàn "Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022”. Theo ông Phạm Đại Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên, kinh tế biển và ven biển đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước. Đồng thời, việc phát triển kinh tế biển có vai trò quan trọng trong tăng cường sức mạnh tổng hợp, thế và lực của quốc gia cũng như nâng cao “thế trận lòng dân” trên các vùng biển, đảo.

Đánh giá thực trạng của 6 ngành kinh tế biển chủ đạo

Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế biển nổi lên như là một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa, đồng thời, cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới.

dc-Tran-Tuan-Anh-2-9783-1655022843.jpg

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Đặc biệt, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển. Theo đó, các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương xem xét, ban hành để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện. Năm 2007, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành "Chiến lược biển Việt Nam". Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo đó, đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, phát triển kinh tế biển trong những năm qua chưa thực sự ấn tượng. Quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững...

Những yếu kém trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan từ diễn biến cực đoan trong biến đổi khí hậu toàn cầu, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan, đó là: Tổ chức, bộ máy quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển còn bất cập; nguồn lực để thực hiện các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá trong Nghị quyết chưa được bố trí phù hợp; các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được áp dụng như: quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, quy hoạch không gian biển; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ.

Trước thực tế trên, ông Trần Tuấn Anh đặt ra yêu cầu cần đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành kinh tế biển, trong đó có 6 ngành kinh tế biển chủ đạo là: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của đại dương, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia. Kinh tế biển, ven biển đã trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng, “ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn”.

Kiến tạo môi trường chính sách hợp lý

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng cần kiến tạo môi trường chính sách hợp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh để khai thác bảo vệ hiệu quả tài nguyên môi trường phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút, huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển mới như: điện gió ngoài khơi, nuôi, đánh bắt xa bờ, tập trung thăm dò, khai thác các loại khoáng sản chiến lược…; khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo…

tiem-nang-kinh-te-bien-9213-1655022843.j

Cần kiến tạo môi trường chính sách hợp lý cho nền kinh tế biển bền vững

Với ngành nông nghiệp, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết vùng biển Việt Nam có trữ lượng nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng với 2.040 loài cá, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao, ngoài ra còn rong biển và trên 600 loài giáp xác, nhuyễn thể. Bên cạnh đó, vùng biển Việt Nam còn có tiềm năng rất lớn về với các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao như rong tảo, trai ngọc, tôm hùm, các loại cá biển, nhuyễn thể,… Đây là nguồn cung thực phẩm dinh dưỡng cao, nguồn nguyên liệu và dược liệu phong phú cho công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam- CTCP (VIMC) cho hay nhằm gia tăng năng lực khai thác, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW “Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế”, Tổng công ty tập trung đầu tư phát triển để hình thành ít nhất 03 trung tâm logistics lớn tại khu vực miền Bắc (Hải Phòng, Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn), miền Nam (khu vực Cái Mép - Thị Vải, Đồng bằng Sông Cửu Long). Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động đầu tư phát triển hệ thống ICD, kho bãi mới còn chậm do khả năng tiếp cận quỹ đất tại các vùng kinh tế trọng điểm gặp nhiều khó khăn vì hạn chế về quỹ đất và giá đất tăng cao.

Các doanh nghiệp rất khó xác định, tìm kiếm được khu vực vừa có quỹ đất phù hợp, vừa đảm bảo khả năng kết nối giao thông thuận lợi, vừa nằm gần nguồn hàng, có đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài, có diện tích tối thiểu 05 ha đối với các cảng cạn hình thành mới theo quy định.

Trước những "nút thắt" trên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Bên cạnh đó, thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển. Và đặc biệt là tiếp tục đầu tư phát triển, hiện đại hóa đô thị biển; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; kết nối phát triển kinh tế biển giữa các địa phương...

Lê Thúy