CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Địa phương nào chi tiền nhiều nhất mua kit test Covid-19 từ Việt Á?

Invest Global 09:19 11/06/2022

Một số địa phương như: Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam… đã chi hàng trăm tỷ đồng để mau kit test Covid-19 từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Việt Á). Đặc biệt, sự chênh lệch giá bán kit test của các địa phương lên đến hàng trăm nghìn đồng/bộ.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa gửi báo cáo kiểm toán chuyên đề việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương.

30 địa phương chi gần 2.200 tỷ mua kit test từ Việt Á, giá bán cao ngất ngưởng

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý và sử dụng kit tes trong giai đoạn 2020-2021 cho thấy, có 30 địa phương mua sắm kit test từ Việt A giá trị 2.161,6 tỷ đồng. Hình thức mua là mua hàng trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối. Chỉ 2 tỉnh trong các địa phương được kiểm toán không mua kit test của Việt Á là Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2022-06-9550-4213-

Sau khi kit test Covid-19 được cấp phép lưu hành hồi tháng 3/2020, Việt Á đã "bắt tay" với các đối tác bán sản phẩm này cho 62 tỉnh, thành phố. Cũng từ que test này, đã có tới 60 người bị khởi tố.

Cụ thể, Đà Nẵng mua trị giá hơn 275 tỷ đồng, Hải Dương mua trị giá hơn 166 tỷ đồng, Quảng Nam 126 triệu đồng, Bình Dương gần 93 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 64 tỷ đồng, Hà Nội mua trị giá hơn 41 tỷ đồng, Long An hơn 38 tỷ đồng, TP.HCM hơn 33 tỷ đồng, Bắc Ninh gần 30 tỷ đồng, Nghệ An gần 29 tỷ đồng, Cần Thơ gần 22 tỷ đồng, Tây Ninh hơn 13 tỷ đồng, Hậu Giang hơn 12 tỷ đồng, Hà Tĩnh gần 9 tỷ đồng, Kiên Giang hơn 2,7 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, bán các bộ kit xét nghiệm bộ kit xét nghiệm PCR cũng khác nhau. Cụ thể, giá mua kit xét nghiệm nhanh dao động trong khoảng 47.000-220.500 đồng một kit xét nghiệm, giá mua bộ kit xét nghiệm PCR dao động trong khoảng 126.042-653.571 đồng/ bộ.

Mức giá ghi nhận của một số đơn vị tại các địa phương như Hà Nội giá test nhanh từ 48.500 đồng đến 242.000 đồng/test; giá kit Test Realtime RT-PCR từ 48.500 đồng đến 210.000 đồng/test; Quảng Nam giá kit test nhanh từ 48.500đ/test đến 198.000đ/test; giá kit test PCR từ 200.000/test đến 300.000đ/test; Hải Dương kit xét nghiệm nhanh, đơn giá từ 63.000đ- 198.000đ/kit; kit xét nghiệm RT-PCR, đơn giá từ 84.000đ-181.000đ/kit tách chiết, từ 305.000đ-509.000đ/bộ kit định tính SARS-CoV-2…

Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc quản lý, sử dụng sinh phẩm, kit xét nghiệm còn một số hạn chế. Điển hình, có lô kit xét nghiệm PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng. Cụ thể, lô 4.000 kit tại Đà Nẵng do doanh nghiệp tài trợ chưa được Bộ Y tế thực hiện thử nghiệm chất lượng. Kết quả thử nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy bộ kit không có giá trị sử dụng vì kết quả độ nhạy bằng 0%.

Một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau nhưng có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả hoặc thiếu thông tin chi tiết.

Kit test Việt Á được "dọn đường" ra sao?

Liên quan đến mua bán kit test của Việt Á, trước đó cơ quan chức năng đã có kết luận vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương, có thể coi là vụ án lịch sử khi cùng lúc có rất nhiều cán bộ, lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, hàng loạt bị can là lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và bệnh viện đã bị khởi tố, bắt giam vì nhận tiền liên quan đến Việt Á.

Điển hình, tại Hải Dương, ông Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC tỉnh này nhận của Việt Á số tiền lên tới 27 tỉ đồng. Thông qua việc “bôi trơn”, Công ty Việt Á đã bán được kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng.

Hay như tại Phú Thọ, ông Trần Gia Phú, phó giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nhận hơn 2 tỉ đồng của Công ty Việt Á, sau khi tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện mua sản phẩm kit test.

Hoặc tại Bắc Giang, ông Lâm Văn Tuấn, giám đốc CDC tỉnh có hành vi thông đồng, cấu kết với Phan Quốc Việt và những người liên quan trong việc tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm do Công ty Việt Á sản xuất, với tổng giá trị hơn 148 tỉ đồng. Thông qua một công ty, Việt Á chi % ngoài hợp đồng với 44 tỉ đồng, sau đó công ty này trích lại cho ông Tuấn.

Ngày 10/6, giám đốc CDC Hà Nội ông Trương Quang Việt và Kế toán trưởng CDC Hà Nội bị bắt khẩn cấp vì liên quan mua sắm kit test của Việt Á

Tính đến nay, tổng cộng đã có hơn 60 bị can bị Bộ Công an và công an các địa phương khởi tố trong vụ án liên quan đến kit test Việt Á.

Trong đó, hai bị can từng giữ chức vụ cao nhất là Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế) và Chu Ngọc Anh (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ KH&CN). Cả hai bị xác định suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có các vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước.

T.H