CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Điều hành chính sách tiền tệ: Linh hoạt, thận trọng để hóa giải rủi ro

Invest Global 10:44 21/01/2022

Thống đốc NHNN Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Đây được xem là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành Ngân hàng trong năm 2022.

Hoàn thành mục tiêu kép

Nhìn lại năm 2021, xác định ngành Ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn, nên ngay từ đầu năm, bám sát yêu cầu trong điều hành chính sách tiền tệ tại Chỉ thị 01, các TCTD đã xây dựng và thực hiện nhiều phương án đảm bảo kinh doanh liên tục, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, vừa đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống thanh toán, tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Điều hành chính sách tiền tệ được đánh giá là một trong những ngành thành công nhất trong năm 2021.

Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, năm 2021 là năm khó khăn chưa từng thấy do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế thấp kỷ lục. Trong bối cảnh đó, NHNN đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. “Việc giữ ổn định vĩ mô rất quan trọng, không chỉ tạo niềm tin cho người dân và nhà đầu tư mà còn ổn định được tỷ giá, tạo tiền đề vững chắc cho các thị trường khác phát triển”, TS. Nghĩa phân tích.

dieu hanh chinh sach tien te linh hoat than trong de hoa giai rui ro Thanh khoản dồi dào đã tạo điều kiện cho các TCTD đẩy mạnh cung ứng tín dụng cho nền kinh tế hồi phục

Ngoài ra, dưới sự điều hành của NHNN, năm qua, lãi suất thị trường tiếp tục có xu hướng giảm. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng với liều lượng thích hợp, dòng vốn được rót vào các lĩnh vực ưu tiên, qua đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng. Đặc biệt, mặc dù Covid-19 khiến nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, song tất cả các ngân hàng đều có thanh khoản tốt, kể cả các ngân hàng có khó khăn về thanh khoản trong giai đoạn trước.

Trên nền tảng chính sách đó, năm 2022, tại Chỉ thị 01, NHNN xác định tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân khoảng 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước; định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế…

Về chính sách tín dụng, tại Chỉ thị 01, NHNN khẳng định quan điểm, điều hành hướng tới mục tiêu hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. Cụ thể, NHNN chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật. Trong đó, NHNN lưu ý các TCTD hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội nhưng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.

Không chủ quan với lạm phát

Khẳng định việc duy trì định hướng điều hành cũng như các giải pháp triển khai của NHNN trong giai đoạn sắp tới là phù hợp, một Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, việc điều hành chính sách tiền tệ cần bám sát tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp. Trong đó, chủ động và linh hoạt điều chỉnh lãi suất điều hành để giúp duy trì ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt theo vị này, quan điểm thận trọng của NHNN trước áp lực lạm phát là hoàn toàn đúng đắn. Bởi, nhiều nước lớn đã bắt đầu triển khai các giải pháp “rút củi đáy nồi” để ứng phó với lạm phát gia tăng sau khi tung gói hỗ trợ lớn chưa từng có. Còn các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam mới bắt đầu triển khai gói kích thích kinh tế. Do vậy, Việt Nam cũng phải dần tính đến việc này giảm nguy cơ lạm phát.

Đồng quan điểm, nhận định về chính sách tiền tệ, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tuy dư địa hạ lãi suất và tăng trưởng tín dụng vẫn còn, nhưng không nhiều, do lãi suất ở mức thấp trong nhiều năm và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu mà áp lực lạm phát ở mức cao. Hiện nhiều nước bắt đầu thu hẹp nới lỏng định lượng và tăng lãi suất. Vì vậy, cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong quá trình triển khai gói phục hồi kinh tế. Chính sách phải tác động cả tổng cung, tổng cầu và phối hợp tốt với các chương trình hỗ trợ khác để tạo thành tổng lực phát huy được hết hiệu lực. “Sự phối hợp tốt giữa các chính sách là chìa khoá để chương trình này đạt được mục tiêu vừa hỗ trợ nền kinh tế sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững”, vị chuyên gia này nhận xét.

Tại Chỉ thị 01, một lần nữa NHNN lưu ý tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp... Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc “phanh” tín dụng BĐS đầu cơ là việc làm rất cần thiết. Nếu không nó không chỉ gây sốt nóng cho thị trường bất động sản, mà còn gây bất ổn cho cả nền kinh tế và cả hệ thống ngân hàng.

Đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ NHNN đưa ra tại Chỉ thị là phù hợp, song lãnh đạo một số ngân hàng bày tỏ mong muốn, trong trường hợp dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, Chính phủ, NHNN xem xét cho phép gia hạn Thông tư 14, đồng thời có các biện pháp hỗ trợ để các TCTD có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Ngoài ra, lãnh đạo MB cũng đề xuất, NHNN quy định sớm về việc cấp tín dụng tự động dựa trên kênh số vừa phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp mà ngân hàng quản trị rủi ro hiệu quả. “Hiện tại có khoảng 30% số lượng các sản phẩm chủ lực của MB được phê duyệt tự động thông qua hệ thống, đã giảm khoảng 42% thời gian phê duyệt so với trước đây và tỷ lệ nợ xấu của danh mục này chỉ ở mức 0,04%. Nhất là giúp dẫn đầu thị trường về số lượng khách hàng mới sử dụng nền tảng số, tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch thanh toán đứng đầu ngành”, lãnh đạo MB chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú nhấn mạnh, việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động ngân hàng điện tử, cấp tín dụng trên kênh số như Hồ sơ số, chữ ký số, thẩm định, phê duyệt, kiểm tra sử dụng vốn đối với các khoản vay tín chấp tiêu chuẩn… là những điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chuyển đối số ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng 2030 theo Quyết định 810 của Thống đốc NHNN. Ngoài ra, lãnh đạo BIDV đề nghị, tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng thông qua việc Quốc hội, Chính phủ xem xét luật hóa hoặc cho kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu có nguy cơ gia tăng trong giai đoạn tới.