CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp xây dựng và tham vọng chia lại thị phần bất động sản

Invest Global 08:41 06/02/2023

Chỉ trong vòng hơn một tháng, FECON liên tiếp trúng thầu các dự án khủng. Điều này cho thấy tham vọng chia lại thị phần thị trường bất động sản của một trong những "đại gia" hàng đầu ngành xây dựng.

FECON (HoSE: FCN) là một nhà thầu thi công xây dựng nền móng và công trình ngầm phục vụ xây dựng nhà cao tầng, công trình công nghiệp, công trình hạ tầng giao thông... Bất chấp những khó khăn bủa vây, công ty đang từng bước gia nhập "sân chơi" bất động sản.

Lấn sân sang sân chơi mới

Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, 2 doanh nghiệp thuộc FECON công bố trở thành chủ đầu tư của 2 dự án bất động sản tại phía Bắc. Mới nhất, FCN thông báo chính thức trở thành chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị Nam Thái (phần diện tích 24,68ha) tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

Dự án có tổng mức đầu tư là 2.250 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu của Công ty FECON Phổ Yên và vốn huy động hợp pháp. Theo kế hoạch, tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành từ nay đến hết năm 2026. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Trước đó, ngày 26/12/2022, Công ty cổ phần FECON Hiệp Hòa (thuộc Tập đoàn FECON) đã nhận quyết định trở thành chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Dự án Cụm Khu công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái tại Bắc Giang với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

-9354-1675390779.jpg

Nhiều nhà thầu xây dựng lớn đang chuyển hướng sang bất động sản, đẩy sức ép cạnh tranh lên cao.

Thực tế, ý định lấn sân sang mảng đầu tư bất động sản của FECON đã manh nha xuất hiện từ nhiều năm trước. Và, kể từ năm 2021 đến nay, FECON đã theo đuổi các dự án tại 5 tỉnh, thành phố.

Các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đấu thầu, chuẩn bị đấu giá. Ở tất cả các dự án, FECON đều là đơn vị tài trợ quy hoạch và là một trong những đơn vị có tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi cuối tháng 4/2022, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch FECON cho biết, công ty quyết định tham gia đầu tư các loại dự án gồm năng lượng tái tạo, các khu công nghiệp, khu đô thị vệ tinh của các thành phố lớn.

Cạnh tranh sẽ rất khốc liệt

FECON đang thể hiện tham vọng chia lại thị phần bất động sản, tuy nhiên theo chuyên gia, đây là điều không dễ. Bên cạnh những doanh nghiệp cũ, nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng đang lấn sân sang địa ốc, như Ricons, Newtecons và mới đây Coteccons lần đầu làm dự án.

Điển hình, ngày 4/10/2022, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons công bố đơn vị sẽ là nhà phát triển dự án The Emerald 68 do Tập đoàn Lê Phong làm chủ đầu tư. Đây là lần đầu tiên, nhà thầu xây dựng này lấn sân sang lĩnh vực phát triển bất động sản.

The Emerald 68 được xây dựng trên quỹ đất gần 8.000 m2 ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, với tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án hiện trong giai đoạn thiết kế, dự kiến bàn giao vào quý I/2025.

Từ năm 2021, ông Bolat Duisenov đã vạch ra chiến lược trong 5 năm tiếp theo Coteccons sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động, mở rộng mảng hạ tầng, tổng thầu (EPC), thiết kế thi công, đồng thời hỗ trợ vốn ít nhất cho 2 dự án bất động sản.

Trước Coteccons, Ricons cũng định hướng đầu tư vào bất động sản. Hồi tháng 4/2022, ban lãnh đạo Ricons đề xuất đầu tư bất động sản bên cạnh ngành xây dựng cốt lõi của doanh nghiệp với tiêu chí đầu tư có chọn lọc, đầu tư bất động sản cơ hội, đầu tư chung với các chủ đầu tư tại các dự án có pháp lý rõ ràng, các dự án thứ cấp có khả năng mang lại lợi nhuận cao.

Cùng với đó, Newtecons - một công ty do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập và từng là thành viên trong hệ sinh thái Coteccons Group đã định hướng sẽ tham gia vào lĩnh vực bất động sản.

Có thể thấy, việc lấn sân sang bất động sản đang là xu hướng của nhiều nhà thầu xây dựng. Nguyên nhân, một phần được cho là thị phần ngành xây dựng đang dần bị co lại.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) từng thừa nhận ngành xây dựng đang trong giai đoạn rất khó khăn, cạnh tranh khốc liệt về giá, thậm chí tình trạng làm dưới giá vốn đang trở nên phổ biến. Vì vậy, Hòa Bình ưu tiên chiến lược phát triển thị trường nước ngoài.

Khó khăn buộc các nhà thầu phải chuyển hướng sang nước ngoài hoặc tìm cách mở rộng sang lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản. Tuy nhiên, những diễn biến từ thực tế cho thấy cạnh tranh là rất khốc liệt. Ngay cả những nhà thầu hàng đầu cũng thừa nhận khó khăn này.

Trong một cuộc đối thoại mới đây, Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov cho biết, Coteccons không đặt mục tiêu trở thành công ty bất động sản và cạnh tranh với các khách hàng hiện nay mà sẵn sàng đồng hành với khách hàng để san sẻ rủi ro, cùng nhau tạo ra lợi nhuận.

Đới Tung