CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Dòng vốn sẽ tăng mạnh, lãi vay hạ nhiệt

Invest Global 08:24 29/11/2022

Việc một số ngân hàng có động thái hạ lãi suất cho vay được ví như “làn gió mát”, từ đó, thị trường kỳ vọng động thái này sẽ tạo "hiệu ứng domino" giúp hạ nhiệt cơn nóng hầm hập của lãi suất trong thời gian tới.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, vai trò của ngân hàng thương mại là khá quan trọn. Đó là xem xét, cố gắng tiết giảm chi phí hơn nữa để bình ổn lãi suất cho vay hoặc chỉ tăng ở mức thấp.

Ngân hàng khởi đua cuộc giảm lãi suất cho vay?

Thời gian qua, đặc biệt từ cuối tháng 9 đến nay, lãi suất huy động liên tục tăng cao. Có ngân hàng tăng lãi suất đến 2 lần/tuần để hút vốn, từ đó đẩy lãi suất cho vay lên rất cao.

Với doanh nghiệp, từ chỗ lãi vay chỉ 6 - 7%/năm đã vọt lên mức 10 - 11%/năm, còn cá nhân vay mua nhà, mua xe mặt bằng lãi suất cho vay đã lên mức 15%/năm, chưa kể chi phí mua bảo hiểm khiến người vay "ngộp thở" vì lãi suất.

-7479-1669629387.jpg

HDBank vừa công bố giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau.

Trong bối cảnh đó, mới đây Vietcombank bất ngờ công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 1%/năm đối với các khoản vay bằng VND cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu, với thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12.

Sau Vietcombank, ngày 28/11, HDBank cũng công bố giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng, thời gian triển khai từ ngày 1/11 đến hết 31/12.

Theo tính toán của ngân hàng này, sẽ có hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng.

Các ngân hàng cho biết, khoản vay được áp dụng cho các lĩnh vực: xuất nhập khẩu, tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, giáo dục- đào tạo; dịch vụ thông tin, lưu trú ăn uống.

Tuy nhiên, ngân hàng khẳng định, chính sách giảm lãi suất không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá….

Động thái giảm lãi suất cho vay của Vietcombank và HDBank đang được thị trường kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, sau một thời gian lãi suất tiết kiệm liên tục phá kỷ lục khi các ngân hàng chạy đua thu hút vốn. Thế nhưng, hạn mức tín dụng eo hẹp, ngân hàng từ chối giải ngân rất nhiều khoản vay của doanh nghiệp. Vì thế, đến thời điểm hiện tại thanh khoản tại các nhà băng đã trở về trạng thái dồi dào.

Một lý do quan trọng là các nhà băng vẫn phải sẵn sàng chủ động về nguồn vốn để đáp ứng kế hoạch kinh doanh cho đầu năm mới. Thế nên, buộc họ phải chạy đua lãi suất huy động vốn.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, đánh giá, lãi suất cho vay hết quý I/2023 sẽ hạ nhiệt, còn khoảng 10-14%.

Dòng vốn ngân hàng sẽ bật tăng vào quý II/2023

Đưa ra dự báo thời điểm doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng vốn, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho biết, hiện nay mức thâm dụng vốn của doanh nghiệp đang tăng mạnh dẫn đến khan tiền, chứ không phải do Chính phủ siết cung tiền bởi tổng phương tiện thanh toán, tổng tín dụng còn nhiều hơn các năm trước.

Chẳng hạn, tỷ lệ tín dụng/GDP của năm 2020 là 1.46%, năm 2021 là 1.62%, năm 2022 tỷ lệ này đã lên mức 1.72%.

-7831-1669629387.png 

Theo đánh giá của chuyên gia này, kinh tế Việt Nam sẽ mất 6 tháng để ổn định hệ thống tài chính vĩ mô. Quý IV/2022 sẽ ổn định được hệ thống ngân hàng thương mại, quý I/2023 ổn định hệ thống trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Với nền tảng đó, đến quý II/2023 hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với doanh nghiệp sản xuất.

“Nhiều ngân hàng đang chờ sẵn chỉ tiêu cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để đến quý I/2023 họ lập tức giải ngân. Dòng vốn sẽ bớt khó khăn. Vì thế doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cố gắng chịu đựng, cùng lắm trong 4-5 tháng nữa, dòng vốn ngân hàng sẽ về và đến quý II/2023 sẽ tăng mạnh”, ông nói.

Nhận định về dòng vốn ngân hàng trong thời gian tới, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng thời gian tới lạm phát cũng không còn đáng lo ngại, bởi lạm phát thế giới có xu hướng giảm. Mặt khác, mặc dù Mỹ vẫn tiếp tục tăng lãi suất nhưng cường độ tăng sẽ chậm lại, tỷ giá hối đoái cũng sẽ có xu hướng giảm.

"Một phần vì áp lực lạm phát giảm dần, phần vì các ngân  hàng trung ương các nước cũng tăng lãi suất. Tôi cho rằng, USD không thể tiếp tục đứng mãi ở đỉnh như thời gian qua. Trong trường hợp như Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng lãi suất vào thời gian tới, và điều này chắc chắn xảy ra và USD sẽ giảm giá. So với VND, cơ hội để USD tăng thêm nữa trong năm tới cũng sẽ không xảy ra vào năm 2023", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thậm chí, theo vị chuyên gia này, sự hạ nhiệt của USD là cơ hội để các ngân hàng xem lại lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Thực tế, trong tháng 11 này, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 3 lần giảm giá bán USD tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

"Tỷ giá ổn định kỳ vọng sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất tiền đồng, điều tiết thị trường tiền đồng theo hướng bơm thanh khoản, duy trì lãi suất VND liên ngân hàng thấp nhằm tiết giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Huyền Anh