CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

‘Đường dài’ pháp lý cho xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Invest Global 10:05 22/01/2021

Chính sách thương mại của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ như thế nào đang là đề tài thu hút các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Với thị trường Mỹ, hệ thống pháp luật phức tạp, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp Việt nếu không tính chuyện “đường dài” pháp lý trong thời kỳ mới.

Bà Nguyễn Thị Thu, Tổng giám đốc CTCP sản xuất thực phẩm Anh Kim (AK Food) cho biết, cách đây hơn 2 năm, công ty có xuất khẩu (XK) sang Mỹ dòng sản phẩm gà ác tiềm và cháo tươi Cây Thị từ việc được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép nhập khẩu. 

Nhìn từ sự cố xuất khẩu “gà ác tiềm”

Thế nhưng, chỉ sau một năm hoạt động thương mại trên thị trường này, đến cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) lại kiểm tra và yêu cầu thu hồi khỏi thị trường với sản phẩm gà ác tiềm. Điều đó khiến cho dự án XK sản phẩm vào Mỹ bị trì hoãn, gây thiệt hại rất lớn cho công ty.

Công ty AK Food chịu nhiều thiệt hại khi sản phẩm gà ác tiềm gặp rắc rối pháp lý ở thị trường Mỹ.

“Có thể là việc đi vào thị trường Mỹ của chúng tôi chưa có hiểu biết, chưa có kinh nghiệm nhiều. Mặc dù biết rằng gia cầm của Việt Nam chưa được phép XK vào thị trường Mỹ, nhưng với sản phẩm gà ác tiềm đã qua chế biến (không phải là gia cầm) được xem như dược phẩm thì chúng tôi lại nghĩ không phải như vậy”, bà Thu buồn bã nói.

Chia sẻ thêm tại buổi toạ đàm về vấn đề pháp lý khi XK vào thị trường Mỹ trong thời kỳ mới do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) phối hợp với Công ty Luật toàn cầu Dentons (Mỹ) tổ chức ở Tp.HCM ngày 21/1, bà Thu đặt vấn đề: Nếu sản phẩm gà ác tiềm của công ty không được phép tiêu thụ thì ngay từ lúc đầu, cơ quan quản lý của Mỹ có thể không cấp phép nhập khẩu.

“Có quá nhiều thiệt hại và công ty chúng tôi phải gánh chịu, nhưng bây giờ thì không biết phải kiện ai?”, Tổng giám đốc của AK Food bức xúc.

Luật sư Matthew Schulz (Công ty luật Dentons) cho biết, có nhiều trường hợp tương tự như vậy từ sản phẩm của các nước khác nhập khẩu vào Mỹ. Điều này cũng có thể thông cảm khi Chính phủ Mỹ có mối lo ngại về an toàn thực phẩm, hoặc có thể là muốn bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, theo luật sư Matthew, trong nhiều trường hợp dường như Chính phủ Mỹ hơi quá bảo thủ vì “quá mạnh mẽ” trong việc ngăn cản những mặt hàng nhiều khi lại là an toàn. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt giữa XK những mặt hàng gia cầm sống với những mặt hàng gà đã qua chế biến và được đóng gói.

“Cho nên, phía DN có thể tìm hiểu thêm là mặt hàng của mình có sự khác biệt gì để xin đặc cách từ phía Mỹ. Nếu không thì chúng ta cũng sẽ nói về những thoả thuận giữa hai chính phủ với nhau, chẳng hạn như Chính phủ Việt Nam đã có thể bình ổn, ngăn chặn được dịch cúm gia cầm hay chưa để đảm bảo XK gia cầm an toàn”, luật sư Matthew nói.

Nắm vững pháp lý thời kỳ mới

Có thể nói, Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, với nhiều mặt hàng có thế mạnh như thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản… Thế nhưng, với hệ thống pháp luật phức tạp, thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN Việt Nam như trường hợp của AK Food.

Hàng năm, nhiều lô hàng nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ bị đối tác khởi kiện hoặc áp dụng lệnh buộc phải tiêu hủy hoặc thu hồi khỏi thị trường.

Nhắc lại sự cố sản phẩm gà ác tiềm của Công ty AK Food tại Mỹ, ông Diệp Quốc Kế, Chủ tịch Công ty Asean Golden Link Inc (AGL) cho biết, qua tìm hiểu thì biết rằng trường hợp này bị rơi vào bối cảnh nước Mỹ đang phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch Covid-19, dẫn đến việc XK gặp vấn đề phát sinh. Đặc biệt là chính sách ở Mỹ có sự thay đổi, như chính sách ở bang California - nơi mà sản phẩm của AK Food tiêu thụ trong thời gian đầu.

Với tư cách là một DN tư vấn, tạo cầu nối cho các nhà XK Việt Nam vào thị trường Mỹ, Chủ tịch AGL cho rằng, các DN Việt vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý và chưa quan tâm nhiều đến việc cần đến vai trò của luật sư khi giao thương, XK vào thị trường này.

“Nếu như trước khi XK, các DN có sự tham vấn của luật sư thì chi phí sẽ thấp hơn. Còn một khi mọi chuyện phát sinh, tranh chấp, rủi ro pháp lý đã xảy ra rồi thì chi phí để mời luật sư giải quyết sự việc bên Mỹ là rất cao”, ông Kê lưu ý.

Theo luật sư Matthew, đối với các DN XK sang Mỹ chủ động làm việc với luật sư, phía luật sư sẽ có những cách giải quyết nhanh chóng trong các vướng mắc pháp lý hay các tranh chấp. 

Còn đối với những DN Việt để cho trình trạng điều tra thương mại kéo dài thì sự việc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Qua kinh nghiệm của vị luật sư Công ty luật Dentons này, việc xử lý sẽ diễn ra nhanh hơn khi các công ty trong nước liên kết chặt chẽ thành mạng lưới và có đại diện từ phía luật sư.

Với việc tân Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2021 (theo giờ Mỹ), luật sư Matthew cho rằng, những chính sách thương mại mới dưới thời của ông Joe Biden sẽ như thế nào là điều mà nhiều nhà XK vào thị trường Mỹ đang quan tâm, trong đó có các DN Việt Nam.

Hy vọng Chính phủ mới của Mỹ sẽ có những cởi mở hơn trong chính sách thương mại nhằm giúp các nhà XK Việt khi thâm nhập thị trường này sẽ an toàn hơn, với điều kiện là phải nắm vững, tính chuyện “đường dài” về mặt pháp lý trong thời kỳ mới.

      Thế Vinh

Khung pháp lý