CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Gần 30% nhà máy đường phải đóng cửa vì đường nhập khẩu giá rẻ

Invest Global 15:05 01/12/2020

(TBKTSG Online) - Đường nhập khẩu giá rẻ vào Việt Nam dưới nhiều hình thức, cộng với việc thực thi chính sách của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) khiến hàng loạt nhà máy đường trong nước không cạnh tranh nổi. Bộ Công Thương cho biết, các vụ điều tra chống phá giá đang được tiến hành và sẽ áp dụng những “hàng rào kỹ thuật” phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo cạnh tranh cho ngành đường trong nước.

Ngành mía đường trong nước đang lụi dần? Ảnh: Thành Hoa

Đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước

Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, trước đây cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Niên vụ 2020-2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

So với niên vụ 2019-2020, dự kiến sẽ có thêm bốn nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.

Hiệp hội này cho rằng, ngành mía đường Việt Nam đã bị thiệt hại nặng nề từ các năm trước do gian lận thương mại đường nhập lậu, chủ yếu là loại đường bán phá giá xuất phát từ Thái Lan.

Trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ năm 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường của họ.

Về phía Việt Nam, sau nhiều năm duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường đã bắt đầu thực hiện cam kết theo ATIGA đối với ngành đường từ 1-1-2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%. 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.

Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%). Bên cạnh đó, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanmar cũng gia tăng.

Dưới tác động của “dòng thác” đường giá rẻ tràn vào thị trường trong nước, giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, từ đó dẫn đến giá mía của Việt Nam cũng rất thấp. Giá mua mía thấp khiến nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Và đây chính là nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu trong niên vụ vừa qua suy giảm trầm trọng.

Sẽ áp dụng những “hàng rào kỹ thuật” phù hợp với thông lệ quốc tế

Bộ Công thương đã khởi xướng tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan hồi tháng 9-2020. Trước đó, bộ này cũng đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Cả hai vụ việc hiện đều trong quá trình điều tra.

Tuy nhiên, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam vẫn cho rằng, Chính phủ các nước ASEAN vẫn đóng vai trò quyết định trong việc trợ giá, bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa và không để đường nhập khẩu giá rẻ trên thị trường quốc tế được tự do tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Mặc dù đã thực hiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hạn ngạch như cam kết, cho phép cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp được nhập khẩu đường, nhưng chính phủ Thái Lan chưa cho phép nhập khẩu đường, còn Indonesia và Philippines chỉ cho phép nhập đường tương ứng với sản lượng thiếu hụt trong nước và chỉ cho phép đường nhập khẩu được đưa vào thị trường sau khi đã kết thúc vụ ép mía.

Tại ba nước này, nông dân trồng mía được hỗ trợ thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp, gián tiếp và hệ thống chia sẻ lợi nhuận (profit sharing) với nhà máy nhằm bảo đảm thu nhập ổn định từ cây mía. Điều đó có nghĩa giá đường cao thì người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Cụ thể, chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ cho ngành đường ít nhất là 1,3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Trong đó khoảng trên 775 triệu đô la được sử dụng cho khoản trợ cấp xuất khẩu gián tiếp thông qua Hệ thống bình ổn giá đường (Price Pooling System), tức là tăng trợ giá để bù đắp mỗi khi giá đường trên thế giới sụt giảm.

Khoảng 500 đến 525 triệu đô la được dùng để thanh toán trực tiếp cho người trồng mía. Đó là chưa kể đến việc các nhà sản xuất mía đường trong nước được hưởng lợi đầy đủ từ các khoản vay có lãi suất thấp và các khoản trợ cấp đầu vào như tất cả các ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, theo ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường, để “cứu” ngành mía đường trong nước Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng hơn nữa các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO. Tuy nhiên, phía Bộ Công thương cho biết, các vụ việc vẫn đang tiến hành điều tra và sẽ áp dụng những “hàng rào kỹ thuật” phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo cạnh tranh cho ngành đường trong nước.

Mời xem thêm:

Cú sốc mới của mía đường niên vụ 2019-2020

Doanh nghiệp - Doanh nhân