CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Giải bài toán kích cầu du lịch mùa thấp điểm

Invest Global 15:51 16/10/2020

Chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” do Bộ VH-TT&DL mới phát động gặp phải thách thức không nhỏ khi mùa cao điểm du lịch đã đi qua. Vậy, ngành du lịch sẽ có giải pháp nào để đạt được mục tiêu của chương trình?

Một số địa phương, doanh nghiệp đã tích cực triển khai các chương trình kích cầu, bước đầu đưa hoạt động du lịch phục hồi trở lại (Ảnh: Int)

Từ đầu năm 2020 đến hết tháng 8, đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường du lịch gần như "đóng băng". Chương trình kích cầu du lịch hồi tháng 6 và 7 vừa “le lói” đã bị dập tắt bởi làn sóng dịch lần 2.

Nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn

Chương trình kích cầu những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ “thổi lửa” cho thị trường du lịch.

Hưởng ứng chủ trương của Bộ VH-TT&DL, nhiều địa phương, doanh nghiệp trên cả nước đã tích cực triển khai các chương trình kích cầu, bước đầu đưa hoạt động du lịch phục hồi trở lại.

Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn phức tạp, nên chương trình kích cầu hướng tới khách du lịch nội địa và những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Điển hình, như mới đây, 7 tỉnh, thành phố gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM và Tây Ninh đã ký kết thỏa thuận liên minh tham gia chương trình kích cầu. 

Từ đầu tháng 10, Đà Nẵng đã tung ra chiến dịch “Đà Nẵng nhớ bạn – Danang miss You” nhằm thu hút khách du lịch quay trở lại. TP.HCM khởi động chiến dịch “Thành phố Hồ Chí Minh xin chào – Hello Ho Chi Minh City” kéo dài từ tháng 10/2020 - 1/2021.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đã tung ra gói kích cầu khoảng 100 tỷ đồng, giảm 50% giá vé thu phí vào điểm tham quan lưu trú trên vịnh Hạ Long, giảm 100% giá vé thu phí vào điểm tham quan lưu trú trên vịnh Hạ Long vào một số ngày lễ đặc biệt…

Nhiều địa phương khác trên cả nước như Hà Nội, Sa Pa (Lào Cai), Kiên Giang, Lâm Đồng, các tỉnh miền Trung… cũng đang tích cực đưa ra các chương trình kích cầu du lịch, mang lại không khí hào hứng, tích cực trong toàn ngành.

Các hãng hàng không cũng khẩn trương triển khai các chương trình kích cầu, nhiều chương trình tour, vé khuyến mại, giảm giá được đưa ra nhằm thu hút khách du lịch.

Theo Vietnam Airlines, hãng ghi nhận sản lượng vận chuyển khách bay nội địa trong tháng 9/2020 đạt gần 40.000 lượt khách, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019. Bamboo Airways giảm giá vé lên tới 50% dành cho nhiều đối tượng hành khách, nhằm tạo cơ hội cho nhiều người tới các điểm du lịch. Vietjet tung chương trình khuyến mại 1,8 triệu vé giá 0 đồng áp dụng cho thời gian bay từ ngày 10/10/2020 - 31/5/2021…

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, việc tái khởi động kích cầu du lịch nội địa là một giải pháp thiết thực, đảm bảo chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cho toàn ngành và sự khởi sắc của hoạt động du lịch trong những tháng cuối năm 2020.

Đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch

Tuy nhiên, chương trình kích cầu du lịch cuối năm gặp phải không ít thách thức, đó là diễn ra trong bối cảnh năm học mới đã bắt đầu, mùa du lịch đã qua ở nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Bên cạnh đó, do dịch bệnh kéo dài, nhiều lĩnh vực sản xuất bị thu hẹp, đình trệ, thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng rất lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu của thị trường giảm sút.

Mặt khác, cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nguồn lực và quy mô sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, đây là những thách thức không nhỏ đối với ngành du lịch.

“Mùa vàng của du lịch nội địa là vào dịp nghỉ hè, sau đó bước vào thời điểm thấp điểm nhất trong năm, đặc biệt năm nay tâm lý khách còn e ngại vì dịch bệnh", ông Khánh nói.

Chính vì vậy, ngành du lịch tận dụng thời gian này để sắp xếp lại nguồn lực, nghiên cứu kỹ về xu hướng thị trường mục tiêu, xây dựng các chính sách, gói kích cầu và tổ chức truyền thông, hướng đến giai đoạn quyết định chi tiêu của khách là tháng 11 và 12, thậm chí lan tỏa sang Tết Nguyên đán 2021.

Tuy nhiên, chương trình kích cầu lần này cũng có những cơ hội, như: nguồn khách chuyển sang đi du lịch trong nước, người nước ngoài làm việc và sinh sống tại Việt Nam trong thời gian tới tăng lên. Khách du lịch trong nước tham gia các lễ hội cuối năm, đầu năm mới… sẽ là những động lực và đối tượng trọng tâm.

Liên quan đến "sức khỏe" của doanh nghiệp sau 2 đợt dịch Covid-19, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ, nhiều doanh nghiệp du lịch phá sản, ngừng hoạt động, nhiều khách sạn đóng cửa. Bộ VH-TTV&DL đã có công văn gửi Thủ tướng đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.

Bộ VH-TTV&DL cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tham gia kích cầu; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay hành động theo khối liên minh nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp lớn tiên phong hành động, có tác dụng lan tỏa thị trường.

Về kế hoạch đón khách quốc tế, Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Khánh cho biết, Thủ tướng đã cho phép nối lại 6 đường bay quốc tế từ 15/9, khách du lịch sau khi nhập cảnh chấp hành đầy đủ quy định về cách ly và an toàn phòng chống dịch bệnh được chào đón đi bất kỳ điểm du lịch nào của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành du lịch có các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.

Minh Trang

Môi trường kinh doanh