CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Giải ngân vốn đầu tư công: Áp dụng chế tài mạnh

Invest Global 16:10 21/07/2020

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề cấp thiết hiện nay nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân giai đoạn 2016 - 2020, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Cứu cánh” của nền kinh tế

Đầu tư công là một trong những “cứu cánh” quan trọng giúp nước ta vượt qua khó khăn do hậu quả của Covid-19 gây ra, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, góp phần tăng trưởng. Theo đó, trách nhiệm của Chính phủ, các địa phương cả nước rất lớn trong điều hành đất nước, nhất là, chúng ta phải tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công gần 28 tỷ USD, tương đương 633 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, còn tình trạng nhận vốn nhưng không tổ chức thực hiện, chậm giải ngân đã diễn ra nhiều năm, nhiều nơi. Năm nay, có tiến bộ hơn trong giải ngân nhưng vẫn rất thấp, còn số vốn lớn chưa được giải ngân ở các cấp, ngành.

giai ngan von dau tu cong ap dung che tai manh
Thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu giải ngân được, khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế hồi sinh rất cao. “Mấy trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công hiện chưa giải ngân, nếu bơm được “dòng máu” này vào nền kinh tế, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho xã hội, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, phải trông cậy từ nguồn tài trợ của Chính phủ, nguồn vốn đầu tư công rất quan trọng. Khi nền kinh tế tốt, chi tiêu công ít, dành dư địa cho khu vực tư nhân. Nền kinh tế yếu, khu vực tư nhân khó khăn, ngân sách phải chi ra, đầu tư công phải trở thành động lực. Hiện nay, Chính phủ đã và đang cam kết hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực, triển khai trên toàn tuyến. Tuy nhiên, việc giảm các thủ tục để giải quyết nhanh, thanh toán kịp thời cho doanh nghiệp tại các dự án đầu tư công là giải pháp rất hữu hiệu để các doanh nghiệp có điều kiện thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án, góp phần tái khởi động nền kinh tế.

Hợp lực đẩy nhanh tiến độ

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, cơ quan, địa phương. Các đoàn công tác này do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và một số bộ trưởng làm trưởng đoàn.

Không những vậy, các bộ, ngành, địa phương cũng đang cho thấy sự chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Điển hình, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh hiện đại hóa việc quản lý đơn rút vốn; xây dựng Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ… Bên cạnh đó, thường xuyên có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ và nhập hệ thống Tabmis (thông tin quản lý ngân sách và kho bạc số dự toán được giao) để có cơ sở thanh toán vốn. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan đến kiểm soát chi, rút vốn, hạch toán.

Cùng với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch đấu thầu, dự toán các dự án; chỉ đạo chủ đầu tư cử cán bộ có thẩm quyền tại hiện trường để đôn đốc nhà thầu, tư vấn thực hiện hoạt động...

Bộ Công Thương đã hoàn thành giao kế hoạch vốn đầu nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 cho các chủ dự án tại Quyết định số 5391/QĐ - BCT ngày 31/12/2019. Đến nay, các dự án đã có mã số quan hệ ngân sách đều đã được giao kế hoạch đầu tư ngân sách nhà nước năm 2020 trên hệ thống Tabmis. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Bộ đã 3 lần có văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 - 2020.

Chính phủ cương quyết áp dụng chế tài mạnh để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020, không để tình trạng đọng, nợ và thủ tục.