CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Giải ngân vốn đầu tư công và câu chuyện "nút thắt" giải phóng mặt bằng

Invest Global 09:56 28/09/2020

Một trong những nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến nhiều Bộ, ngành, địa phương phải xin trả lại hơn 6.300 tỷ đồng thời gian qua có một phần nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó nổi lên vấn đề đơn giá, phương án bồi thường và di dời các công trình...

Mặc dù mới giải ngân được 12,7% kế hoạch nhưng công tác GPMB tại sân bay Long Thành được đánh giá là khá nhanh (Ảnh: TL)

Trước nay, câu chuyện khó khăn trong giải phóng mặt bằng vẫn là lý do chính để các địa phương đưa ra khi chậm giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng thực tế, không phải ở đâu cũng gặp tình trạng này nếu như ngoài những quy định chung, mỗi địa phương có cách làm của riêng mình.

Chính sách GPMB cần thông thoáng hơn nữa

Thanh Hoá là một tỉnh luôn nằm trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao. Tính đến 31/8/2020, tỷ lệ giải ngân đạt hơn 66% kế hoạch vốn được giao. Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tỉnh đã giao chỉ tiêu cụ thể đối với từng huyện, thị làm cơ sở kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Tuy nhiên, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá chia sẻ, ngoài những khó khăn về pháp lý trong việc triển khai thực hiện đầu tư công, thì công tác GPMB của một số dự án còn gặp khó khăn trong di dời các công trình; việc vận động sự đồng thuận của người dân với chủ trương, giá đất bồi thường GPMB của các dự án còn phức tạp.

"Để đẩy nhanh công tác GPMB, thời gian tới tỉnh này sẽ đẩy nhanh công tác bồi thường, đảm bảo 100% yêu cầu tiến độ GPMB các dự án trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khánh thành, khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh và các dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh", ông Liêm chia sẻ.

Một ví dụ khác là tỉnh Bắc Ninh, hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh này đạt gần 72% tính đến 31/8/2020. Công tác GPMB của nhiều dự án chưa được khắc phục triệt để. Tuy nhiên, nhiều dự án đã tổ chức đấu thầu xong nhưng chưa GPMB để bàn giao mặt bằng thi công, làm tăng rủi ro khi tạm ứng vốn đầu tư. Hiện nay vốn tạm ứng trên 1 năm để đền bù GPMB cho các dự án còn 62,751 tỷ đồng chưa được thu hồi. Một số dự án tạm ứng để đền bù GPMB nhưng nhiều năm qua chưa đền bù được, như dự án Đường nhánh nội bộ huyện Tiên Du tạm ứng 15,031 tỷ đồng, dự án ĐườngHL6 tạm ứng 7 tỷ đồng, dựán đường Bách Môn -Lạc Vệ đoạn từ QL 38 đi An Động tạm ứng 7,011 tỷ đồng.

Xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề “nóng” và lớn, ông Ngô Tân Phượng, Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh cho hay, tỉnh này đã đưa ra giải pháp, trong đó tập trung đẩy nhanh công tác lập hồ sơ, phê duyệt và tổ chức đền bù GPMB để có mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công.

"Các huyện, thị, thành phố có dự án nêu cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đẩy nhanh tiến độ, giải phóng mặt bằng. Khi có phát sinh vướng mắc cần chủ động làm việc với các sở ban, ngành. Thậm chí có vấn đề phức tạp cần báo cáo trực tiếp Chủ tịch tỉnh để giải quyết kịp thời", ông Phượng cho hay.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đồng tình quan điểm trên, bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng nhiều dự án đang đối diện với dự án kéo dài do GPMB, nhiều đơn vị, địa phương chưa quản lý tốt quản lý tiến độ. Dự án phải xây dựng tái định cư trước mới GPMB thì dự án mới thông. Nhưng dự án xong rồi quay lại không có khu tái định cư, lúc đó lại làm lại.

Từ những ví dụ trên, đại diện Lãnh đạo Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng, chính sách về GPMB, tái định cư đang làm ách tắc giải ngân vốn đầu tư công. Đơn cử như kế hoạch năm 2020 thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế sân bay Long Thành, nhưng hiện mới giải ngân được gần 2.200/18.195 tỷ đồng (dạt 12,7%), do vướng mắc xác định nguồn gốc đất, áp khung giá bồi thường, phê duyệt đơn giá cấu phần có xây dựng.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Chính vì những lý do cả khách quan và chủ quan như vậy mà công tác giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm tới nay vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Theo thống kê của Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2020 mới chỉ vỏn vẹn được 159.000 tỷ đồng (đạt 33,9% kế hoạch). Điều này gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công.

Ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, hiện nay trong Luật Đầu tư công mới đã có bước tiến bộ để các địa phương có thể tháo gỡ những khó khăn giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, Luật đã tách phần chuẩn bị đầu tư, tách phần GPMB ra, nhưng chỉ tách ở các dự án nhóm A như Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đối với các dự án nhóm B, C lại không được tách.

“Nếu để chung phần GPMB thực hiện quy trình giải ngân vốn đầu tư công sẽ gây khó khăn, công tác GPMB phải đi trước một bước”, Tổng kiểm toán Nhà nước nói.

Đại diện Kiểm toán cũng đề xuất, đối với công tác GPMB, Nhà nước cần tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, ban hành quy định phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong công tác GPMB. Hơn nữa, chỉ chọn nhà thầu khi đã đảm bảo không vướng công tác GPMB.

Nói về vai trò trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ ngành và địa phương, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, các đoàn kiểm toán sẽ kiểm toán kế hoạch đầu tư công từ khâu đầu đến khâu cuối. Đồng thời, sẽ kiểm toán chuyên đề từng dự án trong quá trình triển khai thực hiện.

“Thông qua đây, đơn vị được kiểm toán ngày càng hoàn thiện hơn về công tác chỉ đạo điều hành cũng như quản lý Nhà nước về đầu tư công, về triển khai dự án và nâng cao năng lực dự án”, ông Phương nói.

Có thể nói, giải ngân vốn đầu tư công chính là biện pháp quan trọng trong phục hồi kinh tế để thúc đẩy tiêu dùng trong xã hội, trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, đây là câu chuyện cần có sự quyết tâm cao của tất cả các Bộ, ngành, địa phương và từng doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phạm Minh

Ý kiến chuyên gia