CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Giới đầu tư Mỹ rót hàng chục tỉ đô la vào lĩnh vực AI của Trung Quốc - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Invest Global 15:08 03/02/2023

(KTSG Online) - Các nhà đầu tư Mỹ bao gồm cả các đơn vị đầu tư mạo hiểm của hai gã khổng lồ chip Intel và Qualcomm, đã chi hơn 40 tỉ đô la để đầu tư vào

(KTSG Online) – Các nhà đầu tư Mỹ bao gồm cả các đơn vị đầu tư mạo hiểm của hai gã khổng lồ chip Intel và Qualcomm, đã chi hơn 40 tỉ đô la để đầu tư vào 251 công ty trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2021, theo một báo cáo công bố hôm 1-2.

Mỹ cắt đứt nguồn cung chip AI cao cấp sang Trung Quốc90% startup AI Trung Quốc đối mặt nguy cơ thất bại vì đói vốnKhách tham quan được robot mát xa phục vụ tại hội nghị trí tuệ nhân tạo thế giới ở Thượng Hải hồi tháng 8-2021. Ảnh: Xinhua

Chiếm 37% tổng đầu tư vào lĩnh vực AI của Trung Quốc

Báo cáo do CSET, một nhóm nghiên cứu chính sách công nghệ tại Đại học Georgetown (Mỹ) phát hành, cho biết 167 nhà đầu tư Mỹ đã thực hiện 401 giao dịch, tương đương khoảng 17% tổng các giao dịch đầu tư vào các công ty AI của Trung Quốc trong giai đoạn này.

Các giao dịch của nhà đầu tư Mỹ có tổng giá trị 40,2 tỉ đô la, tương đương 37% tổng số tiền huy động được của các công ty AI ở Trung Quốc trong khoảng thời gian 6 năm từ 2015 đến 2021.

Dữ liệu cho thấy Qualcomm Ventures và Intel Capital, hai đơn vị đầu tư mạo hiểm của Qualcomm và Intel đã lần lượt tham gia vào 13 và 11 giao dịch đầu tư vào các công ty AI của Trung Quốc. Trong khi đó, GGV Capital là công ty dẫn đầu các nhà đầu tư Mỹ với tổng cộng 43 khoản đầu tư vào lĩnh vực AI ở Trung Quốc.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các khoản đầu tư của Mỹ vào AI, lượng tử và chất bán dẫn ở nước ngoài ngày càng bị giám sát kỹ lưỡng. Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến công bố một sắc lệnh hành pháp trong năm nay nhằm hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các ngành công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc giữa lúc phe có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh ở Washington chỉ trích rằng việc nhà đầu tư Mỹ chuyển vốn và các bí quyết chuyên môn có giá trị cho các công ty công nghệ Trung Quốc có thể giúp nâng cao năng lực quân sự của Bắc Kinh.

Theo báo cáo của CSET, Công ty đầu tư mạo hiểm GSR Ventures (Mỹ) cùng với Công ty nhận dạng giọng nói IFlytek (Trung Quốc) đã đầu tư vào một công ty AI của Trung Quốc sau khi IFlytek bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ cho công ty này. Ngân hàng thương mại Silicon Valley Bank và Wanxiang American Healthcare (Mỹ) cùng với Sensetime, công ty nhận dạng khuôn mặt hàng đầu thế giới, có trụ sở ở Hồng Kông, đã đầu tư vào hàng loạt công ty AI của Trung Quốc trước khi Sensetime bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ.

Báo cáo của CSET cũng cho thấy một số khoản đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực AI của Trung Quốc bao gồm khoản đầu tư riêng của Ngân hàng Goldman Sachs vào 1KMXC, một công ty chế tạo robot vận hành bởi AI, cũng như khoản đầu tư của ba công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ vào Geek+, một công ty sản xuất robot di động tự hành.

Theo CSET, chỉ có một công ty AI của Trung Quốc nhận được tài trợ từ các nhà đầu tư Mỹ tham gia phát triển các ứng dụng AI cho mục đích quân sự hoặc an toàn công cộng.

Tận dụng vốn nước ngoài để hỗ trợ AI trong nước

Kể từ năm 2015, giới lãnh đạo Trung Quốc đã ưu tiên phát triển một hệ sinh thái AI bản địa mạnh mẽ. Trong một bài phát biểu năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình lập luận rằng việc thúc đẩy sự phát triển của AI là điểm khởi đầu chiến lược quan trọng để Trung Quốc “giành được thế chủ động trên toàn cầu về cạnh tranh khoa học và công nghệ”.

Để đạt được mục đích này, Bắc Kinh đã theo đuổi một cách tiếp cận dựa vào sự điều phối các nỗ lực phát triển AI khắp các cơ quan chính phủ. Việc hoạch định chính sách liên quan đến AI được dẫn dắt bởi Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc.

Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp AI trong nước sẽ đạt đến trình độ “hàng đầu thế giới” trong một số lĩnh vực AI, với tổng sản lượng ngành công nghiệp AI cốt lõi vượt 60,3 tỉ đô la Mỹ (400 tỉ nhân dân tệ) và tổng sản lượng của ngành liên quan đến AI vượt 754 tỉ đô la (5 nghìn tỉ nhân dân tệ).

Bắc Kinh xem đầu tư trong nước và ngoài nước là yếu tố quan trọng để đáp ứng các mục tiêu phát triển và tăng trưởng AI của Trung Quốc. Kế hoạch AI 2017 của Trung Quốc kêu gọi thành lập cơ chế hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu AI cơ bản và nâng cao bằng cách sử dụng “đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư khởi nghiệp, vốn từ thị trường tài chính”.

Kế hoạch này thậm chí còn nhấn mạnh vai trò của các hoạt động sáp nhập và mua lại của nước ngoài, đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ các công ty AI trong nước. Gần đây hơn, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã liệt kê AI vào danh mục các ngành được khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Với hơn 1.600 công ty AI đang hoạt động vào cuối năm 2021, thị trường AI Trung Quốc lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Theo dữ liệu của Crunchbase, từ năm 2015 đến 2021, 1.239 công ty AI của Trung Quốc đã huy động được 110 tỉ đô la trong 2.299 giao dịch đầu tư từ 36 nước.

Theo Reuters, georgetown.edu