CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hà Nội: Tạo dựng nền tảng công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp ‘cất cánh’

Invest Global 09:46 09/10/2020

(TBTCO) - Hà Nội đang tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy mạnh quá trình phục hồi sản xuất giai đoạn sau đại dịch covid – 19. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, phấn đấu đến hết năm 2020, có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Sản xuất đang dần phục hồi sau đại dịch

Theo Sở Công thương Hà Nội, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong đó trập trung vào việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới thông qua tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa bằng việc thực hiện chương trình liên kết giữa với các tỉnh, thành phố trong nước.

Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng của Hà Nội tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đến tháng 9, hoạt động sản xuất công nghiệp Hà Nội đã dần lấy lại mức tăng trưởng, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, nâng mức tăng 9 tháng lên 4,1% so với cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,1% và tăng 5,9%...

 Trong quý IV, các doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên so quý III là 39,8%; giữ nguyên 37,6% và khó khăn là 22,7%. 

Tuy nhiên, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến chế tạo cũng tăng cao 92,3%.

Đáng chú ý một số sản phẩm công nghiệp mũi nhọn có chỉ số tiêu thụ tăng như dệt tăng 7%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 7,6%; thực phẩm chế biến tăng 8,6%; hóa chất và sản phẩm từ hóa chất tăng 11,5%; cao su và plastic tăng 12,2%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 19,2%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 26,9%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 68,9%...

Theo dự báo của Sở Công thương Hà Nội, trong quý IV, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chuyển biến theo hướng tích cực và sẽ phục hồi nhanh chóng giai đoạn hậu đại dịch. 

Hết năm 2020 có 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Để hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả, Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố năm 2020. Theo đó, đặt ra 5 mục tiêu là khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển; Tập trung phát triển vào 3 lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và dệt may - da giày; Nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư, gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt công nghiệp hỗ trợ.

Theo kế hoạch này, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020, có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Chỉ số phát triển công nghiệp công nghiệp hỗ trợ hàng năm tăng trên 12%.

Để đạt được mục tiêu, trước mắt Hà Nội sẽ tập trung kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

Đồng thời tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế; Tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm sản xuất chế tạo cung ứng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất công nghiệp chính.

Được biết, trong quý IV, Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế về công nghiệp hỗ trợ với sự tham dự của khoảng 200 doanh nghiệp và chuyên gia trong, ngoài nước./.