CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hà Tĩnh: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm đạt 81%

Invest Global 13:53 27/09/2024

(Xây dựng) - Theo số liệu báo cáo, tính đến ngày 22/9, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh đạt 4.279.718 triệu đồng

(Xây dựng) - Theo số liệu báo cáo, tính đến ngày 22/9, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh đạt 4.279.718 triệu đồng, bằng 81% kế hoạch Thủ tướng giao và bằng 49% kế hoạch vốn đã phân bổ.

Hà Tĩnh: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm đạt 81% Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với việc đảm bảo chất lượng công trình.

Trong đó: Vốn Bộ, ngành quản lý giải ngân đạt 497.232 triệu đồng, bằng 57% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và bằng 52% kế hoạch vốn đã phân bổ; vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý giải ngân đạt 1.413.482 triệu đồng, bằng 53% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bằng 28% kế hoạch vốn đã phân bổ; vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã quản lý giải ngân đạt 2.369.004 triệu đồng, bằng 134% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bằng 84% kế hoạch vốn đã phân bổ.

Có 22/44 địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao hơn 32% kế hoạch vốn đầu tư do bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý, đặc biệt các chủ đầu tư được giao vốn lớn như: Sở Giao thông vận tải 89%; UBND thị xã Hồng Lĩnh 58%, UBND huyện Vũ Quang 54%; UBND huyện Nghi Xuân 50%...

Có 22/44 địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 32% kế hoạch vốn đầu tư do bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý, đặc biệt có 9/44 địa phương, đơn vị chưa giải ngân vốn như: Trường Cao đẳng Nguyễn Du, UBND xã Mỹ Lộc, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh...

Có 127 danh mục dự án (bao gồm cả nguồn năm trước kéo dài thanh toán sang năm 2024) chưa giải ngân vốn Bộ, ngành và cấp tỉnh quản lý với tổng số vốn 1.163.611 triệu đồng, trong đó có 155.908 triệu đồng nguồn năm trước kéo dài thanh toán sang năm 2024 (thời hạn giải ngân 31/12/2024) và 1.007.704 triệu đồng chủ yếu từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi mới được giao vốn tại Quyết định số 1878/QĐ-UBND ngày 2/8/2024...

Ngoài những nguyên nhân vướng mắc do thủ tục đầu tư dự án kéo dài, khó khăn trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng dự án... còn có những nguyên nhân do tình trạng khan hiếm nguồn cung một số loại vật liệu xây dựng như đất đắp, cát san nền; với những dự án lớn (đặc biệt là các dự án ODA), do thời gian thực hiện kéo dài qua nhiều năm nên quá trình triển khai dự án có sự biến động lớn về giá nguyên, nhiên, vật liệu, đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng; năng lực một số nhà thầu tư vấn và Ban Quản lý dự án còn hạn chế, việc hoàn thiện hồ sơ dự án, hồ sơ thanh quyết toán chậm, còn nhiều sai sót phải chỉnh sửa nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn...

Để phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Sở Tài chính đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như UBND tỉnh; tập trung đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu, khởi công xây dựng các công trình khởi công mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chủ động rà soát tình hình thực hiện của từng dự án trên địa bàn, từ đó phân nhóm vướng mắc (thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, kế hoạch vốn, thủ tục giải ngân....) để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.

Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với việc đảm bảo chất lượng công trình; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; kịp thời thu hồi các khoản tạm ứng hợp đồng theo đúng quy định. Rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền rút kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn...