CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hạn mức tăng trưởng cho ngân hàng sẽ được cân nhắc

Invest Global 10:42 23/09/2020

(TBKTSG Online) - Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong 3 quí đầu năm chỉ đạt khoảng 4,7% so với cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng nhằm cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và người dân, hướng tới mục tiêu đạt mức tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2020.

Tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 15-9 chỉ đạt hơn 4,7% so với thời điểm cuối năm 2019. Ảnh: MT

Trong cuộc họp công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm 2020, định hướng những tháng cuối năm 2020 của NHNN diễn ra trong sáng ngày 22-9, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 15-9 chỉ đạt hơn 4,7% so với thời điểm cuối năm 2019.

Đây là một mức tăng trưởng thấp so với chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14% do cơ quan này đặt ra vào đầu năm trước khi dịch bệnh bùng phát. Nguyên nhân của mức tăng trưởng thấp này đên từ việc nền kinh tế Việt Nam đang chịu những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân còn rất yếu.

“Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ xem xét và cân nhắc nếu các tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị điều chỉnh (hạn mức) tăng trưởng tín dụng. Và trong quá trình điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ dựa trên tinh thần đáp ứng được nhu cầu của các TCTD có điều kiện để cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn và hiệu quả”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN, trong 2 tháng đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm (cụ thể cuối tháng 1 tăng 0,01%, cuối tháng 2 tăng 0,2%), tuy nhiên nhờ việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp hỗ trợ khách hàng, từ tháng 3 đã xuất hiện phục hồi khi cầu tín dụng bắt đầu tăng. Đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng đạt 4,75% và đến ngày 16-9 tín dụng đã tăng 4,81%.

Tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 3,29%; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3%...

Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi đối với với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đến 31-8, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 221.515 tỉ đồng, tăng 7,11% so với 31-12-2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đến ngày 14-9, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 ngàn khách hàng với dư nợ 321 ngàn tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 ngàn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỉ đồng; đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23-1 đến thời điểm hiện tại đạt 1,6 triệu tỉ đồng cho 310 ngàn khách hàng.

Riêng chương trình cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc quy mô 16.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ: NHNN đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho NHCSXH vay.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có một (01) doanh nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn, nhưng doanh nghiệp đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động . Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang được giao đầu mối trình Chính phủ xem xét sửa một số điều kiện tại Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn.

Tài chính - Tín dụng