CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hàng xuất khẩu sang EU: dưới 6.000 euro được tự chứng nhận xuất xứ

Invest Global 09:14 08/08/2020

(TBKTSG Online) - Theo quy định trong EVFTA, các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam có trị giá dưới 6.000 euro được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trên mức giá trị này, các doanh nghiệp được khai báo C/O mẫu EUR.1

Hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam sang EU kể từ ngày 1-8 này được hưởng nhiều ưu đãi theo C/O EUR.1 Ảnh:TL

Tin từ Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ 1-8-2020, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, Thông tư số 11/2020 hướng dẫn về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định cũng đồng thời có hiệu lực thi hành. Bộ Công Thương đã có hướng dẫn gửi các hiệp hội ngành hàng và thương nhân xuất khẩu để hướng dẫn về chứng từ xuất xứ.

Theo đó, đối với các lô hàng từ Việt Nam xuất khẩu vào EU có giá trị không quá 6.000 euro thì bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Sau đó, thương nhân có trách nhiệm báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu lên trang web: www.ecosys.gov.vn.

Đối với các lô hàng xuất khẩu có trị giá trên 6.000 euro, nhà xuất khẩu phải có C/O mẫu EUR.1 do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Quá trình khai báo và chứng nhận C/O mẫu EUR.1 được thực hiện tương tự như các mẫu C/O hiện hành.

Riêng đối với hàng hóa xuất khẩu sang Anh, các thương nhân xuất khẩu chỉ kê khai C/O mẫu EUR.1 hoặc phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ đến hết 31-12-2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiệp định EVFTA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại và cân bằng về lợi ích của cả hai bên. EU xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa của Việt Nam giúp chúng ta có cơ hội lớn hơn trong việc xuất khẩu sang thị trường EU thì ngược lại Việt Nam cũng phải có nghĩa vụ mở cửa thị trường cho hàng hóa của châu Âu. Vấn đề còn lại là việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước.

Điểm đáng lưu ý là EU có cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa mang tính bổ trợ với Việt Nam và do vậy không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa cùng phân khúc của Việt Nam. Chính vì thế,những mặt hành mà EU có thế mạnh khi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam như máy móc, thiết bị... sẽ giúp hỗ trợ cho ngành sản xuất trong nước giảm giá thành và nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh tốt hơn.

Để giúp các doanh nghiệp tận dụng được tối đa những cơ hội mà hiệp định mang lại, cần tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biêt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

Các cơ quan quản lý Việt Nam phải thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách từ cả ở cấp trung ương và địa phương, đó là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo.

Những FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA luôn có những cam kết cao về phát triển bền vững, cụ thể là gắn việc phát triển sản xuất và thương mại với các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có nguồn gốc, đầu vào từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ cần phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, cụ thể là các sản phẩm đó có được đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp hay không? Chính vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nông phải hết sức lưu ý để tránh những quy định về đánh bắt và khai thác nguồn tài nguyên trái phép.

Khung pháp lý