CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hướng đi cho ngành du lịch Việt Nam (Kỳ I): Mô hình cao cấp hay dân dã?

Invest Global 15:25 02/08/2020

Enternews.vn Trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, để phát huy tối đa nguồn lực du lịch Việt Nam nhiều ý kiến cho rằng chuyên nghiệp hoá tạo giá trị gia tăng cao mới là mô hình phù hợp.

Tại tọa đàm trực tuyến thảo luận hướng đi cho ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị cho những biến động của đại dịch COVID-19 với chủ đề: Đã đến lúc ngành du lịch tìm được hướng đi trong trạng thái mới? nhiều ý kiến đã thảo luận về mô hình nào là phù hợp với du lịch Việt trong bối cảnh đại dịch hiện nay.

Biểu đồ cho thấy sự đóng góp của ngành du lịch Việt Nam.

Doanh nghiệp du lịch "ngấm đòn"

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Thiên Minh (Thiên Minh Group) cho biết, thực tế đóng góp của ngành du lịch Việt Nam khoảng 32 tỷ USD mỗi năm, mức độ lan toả còn lớn hơn, do đó, đóng góp của ngành vào GDP khoảng 5-6% năm 2019.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới ngành du lịch Việt Nam. Chỉ đơn cử như dịch COVID-19 quay trở lại thì lượng booking hầu hết giảm xuống về 0 trong tuần qua.

“Dịch bệnh khiến nhiều đơn vị cắt giảm chi phí, chúng tôi cũng như những doanh nghiệp khác đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn, chưa bao giờ chúng tôi bị giảm tới 50% doanh thu như hiện nay. Đơn cử, tuần trước là tuần duy nhất sau nhiều tháng chúng tôi có doanh thu bằng cùng kỳ năm ngoái, nhưng tuần này đã giảm chỉ còn tương đương 80% năm ngoái”, ông Trần Trọng Kiên chia sẻ. 

Những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch như Thiên Minh khiến con số lượt khách du lịch năm 2020 dự báo chỉ đạt khoảng 50 triệu lượt, con số này năm 2019 là 90 triệu lượt khách du lịch. 

Doanh thu ngành du lịch năm nay cũng ước đạt khoảng 350.000 tỷ giảm 60% so với năm 2019, bên cạnh đó, công việc bị mất hoàn toàn của ngành du lịch đã vào khoảng 2 triệu người.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp du lịch, yêu cầu chuyển mình của các doanh nghiệp từ cách quản lý vận hành, định vị lại khách hàng cũng như các sản phẩm du lịch được đặt ra. Theo đó, toàn bộ các doanh nghiệp phải chuyển hướng tới thị trường khách nội địa khi mà du lịch quốc tế vẫn đóng cửa. 

Chuyên nghiệp hoá gia tăng giá trị

Từ thực tế này, những ý kiến khác nhau về một mô hình phù hợp giúp phát huy tối đa nguồn lực được đặt ra. Ông Trần Trọng Kiên cho rằng, khi tranh luận về mô hình cao cấp hay dân dã đâu là phù hợp chúng ta phải hiểu được các sản phẩm du lịch cao cấp nghĩa là phải tạo được giá trị cao.

Du lịch nội địa được xác định là nền tảng trọng tâm với ngành du lịch Việt hiện nay. Ảnh: Quốc Tuấn

“Không phải cứ tiền nhiều là cao cấp mà tiền ít là thấp cấp, giá trị và trị giá khác nhau, có nhiều sản phẩm du lịch gắn với giá trị văn hoá, tạo giá trị bền vững và tạo giá trị gia tăng cao thì đó là sản phẩm cao cấp. Du lịch dân dã không phải là chi trả rẻ tiền, mà là sản phẩm phù hợp mức chi trả thấp hơn của người dùng”, ông Kiên phân tích.

Chủ tịch Thiên Minh Group cho biết thêm đã xuất hiện xu hướng “thắt lưng buộc bụng” của du khách, 3 tháng gần đây, sau giãn cách xã hội lần một du khách cũng ít chọn hơn các điểm đến vui chơi tích hợp mà sử dụng nhiều điểm đến gần thiên nhiên.

Tuy nhiên, trong những điểm đến gần thiên nhiên này vẫn có nhóm khách chi tiêu cao cho các tour ngắm vịnh Hạ Long bằng trực thăng hay tour Sơn Đoong hiện đã hết xuất cho năm 2020. Điều này cho thấy vẫn cần đa dạng sản phẩm để phát huy các lợi thế tuỳ thuộc vào lợi thế của doanh nghiệp, của địa điểm khai thác, phát triển du lịch. 

“Việt Nam có thể cố gắng phát triển những sản phẩm dựa nhiều hơn vào tạo ra lợi thế lâu dài, tăng năng suất lao động. Cùng với đó, liên quan bảo vệ môi trường, đảm bảo kinh tế địa phương và người dân trong cộng đồng hưởng lợi”, ông Kiên chia sẻ.

Chủ tịch Thiên Minh đồng thời cho rằng, định hướng du lịch có giá trị cao với những sản phẩm phù hợp, đầu tư công nghệ, đào tạo, trải nghiệm cao hơn là ưu tiên để tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài.

“Các sản phẩm chi trả cao hay trung bình phụ thuộc vào lợi thế của mình. Cá nhân tôi luôn ưu tiên nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp, theo đó, không cần dùng quá nhiều nguồn lực tự nhiên và con người. Nhưng không phải ở đâu cũng phát triển cao cấp được. Do đó, theo tôi phải phát triển cả hai, quan trọng là phù hợp và bền vững”, ông Kiên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tử Anh, Nhà sáng lập UP Base Camp cho rằng dân dã không đồng nghĩa với giá rẻ, quan trọng là phát triển sản phẩm du lịch bền vững. 

“Dân dã chưa chắc là giá rẻ, tôi từng đi du lịch và nghỉ ở một căn phòng có giá lên tới 500 USD/đêm hết sức hoang sơ và nó nằm giữa một cánh đồng lúa. Bản thân tôi khi làm UP Base Camp cũng vậy, nhiều người nghĩ là nó sẽ có giá rẻ, thậm chí nhiều khách hàng khi gọi tham khảo giá của chúng tôi còn nổi giận và nói ngủ lều mà sao như năm sao vậy. Do đó, theo tôi là chúng ta chuyên nghiệp hoá như thế nào tạo giá trị gia tăng”, ông Tử Anh nhấn mạnh. 

Ông Tử Anh cũng thẳng thắn, chúng ta có nhiều tiềm năng nhưng cách làm đang có vấn đề. Phải định hình dân dã nhưng cũng có những mô hình phải trả nhiều tiền mới tham gia được, bởi xuyên suốt với đó là du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường.

“Khách hàng của chúng tôi có thể sẽ phải nhặc rác trên đường đến khu nghỉ của mình, hay trồng 1 cái cây ở khu nghỉ. Do đó, cao cấp hay dân giã cũng được, nó phụ thuộc vào nhà tổ chức và điều hành sản phẩm đó”, Nhà sáng lập UP Base Camp nhấn mạnh.

 

Mời các bạn tham gia vào Diễn đàn chuyên sâu: Doanh nhân, Doanh nghiệp, Diễn đàn bất động sản, Khởi nghiệp, Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn Tài chính

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hướng đi cho ngành du lịch Việt Nam (Kỳ I): Mô hình cao cấp hay dân dã? tại chuyên mục Kinh tế vĩ mô của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Đánh giá của bạn: