CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hướng đi cho ngành du lịch Việt Nam (Kỳ III): Số hoá di sản, quảng bá Việt Nam an toàn, đa dạng

Invest Global 15:28 02/08/2020

Enternews.vn Ngay sau dịch, khi du lịch quốc tế mở cửa, cần tạo dựng, quảng bá cho thế giới thấy Việt Nam đa dạng trong một thể thống nhất, khiến du khách đã đi đến trải nghiệm nơi này sẽ phải đến nơi khác.

Cũng tương tự như các doanh nghiệp đã “ngấm đòn” đại dịch COVID-19, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Thiên Minh (Thiên Minh Group) chia sẻ, để ứng phó với con bão COVID-19, thời gian qua, Thiên Minh Group có 4 chiến lược tập trung. 

Doanh nghiệp cho rằng cần số hoá di sản duy trì quảng bá du lịch sử dụng công nghệ cao để sẵn sàng cho phát triển du lịch quốc tế sau dịch. Ảnh: Quốc Tuấn

Doanh nghiệp chuyển mình

Cụ thể, thứ nhất, ưu tiên bảo vệ nguồn lực gồm nhân lực và khách hàng - khoảng 1 triệu khách. Đồng thời có phương án bảo toàn tài chính cho 12-24 tháng sau.

Thứ hai bảo vệ các sản phẩm chiến lược phù hợp với việc chuyển hướng khách hàng, theo đó, doanh nghiệp chuyển hướng từ 85% khách quốc tế sang 99% khách nội địa.

Thứ ba, tiếp tục các dự án sinh lời, đẩy nhanh chuyển đổi số, nhanh hơn 2 năm so với dự kiến.

Sử dụng các nguồn lực đất đai của doanh nghiệp một cách hiệu quả. “Thiên Minh chưa bao giờ đầu tư vào bất động sản nhưng thời điểm này đã phải tính đến. Đồng thời M&A để đẩy nhanh thương hiệu của Việt Nam ra các quốc gia khác. Năm trước chúng tôi đã tiến hành M&A một số doanh nghiệp ở nước ngoài”, ông Kiên nói.

Thứ tư, giúp đỡ cộng đồng và Chính phủ tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam. Theo đó, Chủ tịch Thiên Minh Group nhấn mạnh việc số hoá các di sản trong nước, các bảo tàng, điểm thăm quan văn hoá – lịch sử, tạo ra các sản phẩm sử dụng công nghệ cao để quảng bá du lịch Việt Nam ra quốc tế.

Đặc biệt nhận định trong 6 tháng tới tình hình dịch bệnh khó đoán nên khó khăn với doanh nghiệp vẫn còn. Thậm chí, phải chờ tới sang năm 2021 vác xin COVID-19 được sản xuất mới có thể mở cửa du lịch quốc tế, khi đó doanh nghiệp du lịch mới có thể hồi phục, ông Kiên cho rằng, chúng ta phải tận dụng nhu cầu trong nước.

“Phải đảm bảo chi phí cho các hoạt động của doanh nghiệp giảm xuống như giảm các khoản đầu tư lâu dài, chúng tôi đã cắt giảm 5 dự án đầu tư vào các khu chỉ phục vụ cho các bạn trẻ - dự án này đã có 3-4 năm trước nhưng cũng đã phải dừng. Chúng tôi cũng chậm lại việc ra mắt Hàng Không Cánh Diều, cắt giảm chi phí liên quan lương, toàn bộ ban điều hành chỉ có lương 10%”, ông Trần Trọng Kiên chia sẻ.

Cách doanh nghiệp thay đổi nhiều hơn là biến đổi các tài sản từ phục vụ du khách sang thành cơ sở kinh doanh độc lập, đơn cử như các phòng gym, cà phê, nhà hàng của khách sạn sẽ phục vụ cả người dân địa phương. Một số còn kết hợp với các phương tiện công nghệ để tiếp cận người tiêu dùng cung cấp nhu cầu mua sắm thực phẩm tại nhà... nó cho phép doanh nghiệp tồn tại lâu dài hơn.

Liên kết quảng bá Việt Nam đa dạng

Đó là bài học kinh nghiệm của ông lớn Thiên Minh Group. Còn với UP Base Camp, ông Nguyễn Tử Anh cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 – trạng thái mà mọi nhu cầu khách hàng, thị trường thay đổi nhanh chóng.

“Chúng tôi đã thực hiện giãn cách xã hội đợt 1 mà không đón khách vào tháng 4, ngày 30/4 chúng tôi được thông tin có thể nhận lại khách, chúng tôi đã nhận khách đến tháng 8, tuy nhiên đến cuối tháng 7 vừa rồi lại xảy ra đợt dịch lần hai nên chúng tôi lại phải tiếp tục dừng lại. Những biến đổi trong trạng thái mới là rất nhanh”, ông Tử Anh chia sẻ.

Do đó, Nhà sáng lập UP Base Camp cho rằng doanh nghiệp và du khách phải ứng phó kịp thời, linh hoạt. Với doanh nghiệp là linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh, thậm chí phải có phương án chiến lược hàng ngắn hạn, kế hoạch phòng thủ.... Du lịch nội địa là ưu tiên nhưng vẫn phải duy trì marketing để khi mở cửa là du khách nghĩ đến Việt Nam.

“Đặc biệt, cần làm sao cho thế giới thấy Việt Nam đa dạng trong một thể thống nhất. Cần có chiến dịch nào đó để liên kết du lịch, khiến du khách đã đi đến nơi này sẽ phải đến nơi khác bởi mỗi nơi là một nét khác nhau trên khắp chiều dài hình chữ S Việt Nam”, ông Nguyễn Tử Anh nói.

 

Mời các bạn tham gia vào Diễn đàn chuyên sâu: Doanh nhân, Doanh nghiệp, Diễn đàn bất động sản, Khởi nghiệp, Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn Tài chính

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Hướng đi cho ngành du lịch Việt Nam (Kỳ III): Số hoá di sản, quảng bá Việt Nam an toàn, đa dạng tại chuyên mục Kinh tế vĩ mô của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Đánh giá của bạn:

Ý kiến chuyên gia