CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Hút ‘đại bàng’ công nghệ vào điểm sáng kinh tế di động

Invest Global 10:51 13/08/2020

Kinh tế di động ở Việt Nam đang được đánh giá là điểm sáng hàng đầu châu Á, là cơ hội để thúc đẩy ngành công nghệ di động trong nước mở cửa và “xây tổ” đón làn sóng đầu tư mới, đặc biệt là thu hút các “đại bàng” công nghệ trên toàn cầu.

Ông Lương Đăng Sơn, Giám đốc CTCP cung ứng thực phẩm sạch Sài Gòn (SagoFood), cho biết ngoài việc tập trung phát triển thế mạnh của mình là tập trung bán hàng trực tuyến thì công ty đang tập trung vào một kênh phân phối khá mới mẻ trên điện thoại di động là kênh Tiktok với thông điệp “trẻ” được đưa đến với các khách hàng trẻ.

Định hình xu hướng mới

Theo ông Sơn, việc làm một video sản phẩm dạng ngắn có tính chất “nhí nhố” ở Tiktok trên ứng dụng di động, nếu thu hút cả triệu người xem thì sẽ có sức lan toả rất lớn cho thương hiệu thực phẩm Việt.

Không chỉ với công ty của ông Sơn, việc chạy quảng cáo Tiktok hay trên các ứng dụng di động đang là trào lưu của không ít doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay khi mà xu hướng sử dụng điện thoại di động của người tiêu dùng ngày càng nở rộ.

Thiết bị di động đang dần định hình một xu hướng mới trong mọi lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam

Đánh giá mới đây từ Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ TopDev cho rằng kinh tế di động Việt Nam đang là điểm sáng hàng đầu Châu Á. Nhất là khi có đến 61.73 triệu trong số 64 triệu người dùng Internet tại Việt Nam truy cập Internet bằng thiết bị di động.

Trong khi đó, theo báo cáo thị trường Mobile App (ứng dụng trên thiết bị di động) của App Annie trước đại dịch Covid-19 thì trung bình người dùng dành 3 giờ 40 phút trên các thiết bị di động. 

Ngoài ra, năm 2020 cũng được xem là một năm nhộn nhịp cho Mobile Advertising (quảng cáo trên di động) khi các nhà quảng cáo trên thế giới dự kiến chi hơn 240 tỷ USD vào quảng cáo điện tử trong năm 2020, tăng 26% so với 2019.

Phía TopDev cho rằng không thể phủ nhận, thiết bị di động đang dần định hình một xu hướng mới trong hầu hết mọi lĩnh vực công nghệ, phải kể đến Monetization (tiền tệ hoá), Fintech (công nghệ tài chính), E-commerce (thương mại điện tử), Marketing (tiếp thị)...

Còn theo Công ty cung cấp nền tảng quảng cáo trên di động Adsota, đơn giản có thể thấy Việt Nam là quốc gia xếp vị trí thứ 7 với tổng cộng 750 triệu lượt tải app (ứng dụng).

“Đó là một dấu hiệu rất đáng mừng cho ngành di động tại Việt Nam, không những thế, những lĩnh vực khác cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ và quan tâm đặc biệt từ Chính phủ trải dài từ Fintech, AI (trí tuệ nhân tạo), cho đến giáo dục, y tế và logistic”, phía TopDev chia sẻ.

Hơn nữa, cần ghi nhận thêm việc các tập đoàn nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thiết bị di động đang phát tín hiệu dịch chuyển chuỗi sản xuất mà Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu ở châu Á. 

Các chuyên gia công nghệ cho rằng sự căng thẳng trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tác động từ dịch Covid-19 đã dẫn đến việc các gã khổng lồ công nghệ trong ngành di động là Qualcomm, Apple tìm kiếm kế hoạch dự phòng mới, mở nhà máy và trung tâm thử nghiệm tại Việt Nam.

Làn sóng dịch chuyển là có thật

Và theo dự báo trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Thực tế nhất là Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc đến Hải Phòng. Hay như Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. 

Hồi tháng 6/2020 Qualcomm (với vị thế toàn cầu trên thị trường thiết bị di động) chính thức mở công ty Qualcomm Việt Nam với văn phòng ở Hà Nội, cũng là Phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) chính thức của công ty này.

Với cơ sở vật chất đó, phía Qualcomm đã tăng cường cam kết với Việt Nam và cho phép các doanh nghiệp đổi mới và cung cấp các sản phẩm “made in Vietnam” và phát triển công nghệ 5G đầy hứa hẹn.

Ngoài ra, các tin tức cũng dẫn chứng Apple sẽ sản xuất sản phẩm tai nghe không dây (AirPods) tại Việt Nam. Hãng công nghệ này được cho là sẽ sản xuất 3-4 triệu chiếc tai nghe AirPods ở Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới.

Dù chưa có thông tin chính thức, nhưng qua những động thái tuyển dụng, cũng như sự quan tâm của Apple đến thị trường và chuỗi cung ứng Việt đã chứng minh kết quả của những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua để có mặt trên bản đồ công nghệ thế giới. 

Điều đó càng cho thấy Việt Nam có khả năng trở thành cơ sở sản xuất thiết bị di động của nhiều thương hiệu di động lớn trên toàn cầu mà Samsung, LG, Intel...là những dẫn chứng điển hình.

Chẳng hạn như Samsung đã có mặt và đầu tư ở Việt Nam từ khá lâu. Gần đây nhất, hãng điện thoại di động có quy mô toàn cầu này đã xây dựng toà nhà riêng tại khu đô thị Hà Tây với mục đích làm Trung tâm R&D với vốn đầu tư lên đến 220 triệu USD.

Còn Tập đoàn Hindustan Computers Limited (HCL), một trong ba công ty công nghệ lớn nhất Ấn Độ cũng đã phê duyệt kế hoạch đầu tư dài hạn vào Việt Nam, trước mắt là thành lập trung tâm công nghệ với vốn đầu tư lên đến 650 triệu USD. 

Với kế hoạch dài hạn, tập đoàn HCL đặt mục tiêu đào tạo, tuyển dụng và phát triển nhân lực gồm 10.000 - 20.000 kỹ sư trên toàn bộ Việt Nam cho chuỗi trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin.

Có thể thấy, Việt Nam đã và đang ngày càng đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu. Điều này cho thấy làn sóng dịch chuyển đầu tư, thu hút “đại bàng” công nghệ vào Việt Nam là có thật.

Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là ngành công nghệ di động trong nước sẽ cần tiếp tục có những thay đổi thích ứng tốt và đóng vai trò quan trọng trước làn sóng này.

                        Thế Vinh