CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc, mối đe doạ mới của chuỗi cung ứng toàn cầu

Invest Global 17:33 29/09/2021

Cuộc khủng hoảng điện đang hình thành ở Trung Quốc có thể trở thành một cú sốc mới của chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các nhà máy ở quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới buộc phải cắt giảm hoạt động sản xuất để tiết kiệm năng lượng...

Theo hãng tin Bloomberg, gián đoạn này diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất và hãng vận tải phải chạy đua với thời gian để đáp ứng nhu cầu mọi mặt hàng từ quần áo cho tới đồ chơi trẻ em, trong bối cảnh mùa mua sắm cuối năm đang đến gần. Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn dĩ đã bị đảo lộn bởi một loạt vấn đề, từ giá nguyên vật liệu tăng vọt, tình trạng tắc nghẽn kéo dài tại các cảng biển, cho tới thiếu container rỗng để chứa hàng.

“ĐÂY CHẮC CHẮN LÀ MỘT MỚ HỖN ĐỘN”

Các nhà sản xuất Trung Quốc cảnh báo rằng các biện pháp ngặt nghèo nhằm cắt giảm lượng tiêu thụ điện sẽ dẫn tới sụt giảm sản lượng ngành sản xuất tại những địa phương đầu tàu trong lĩnh vực này như Giang Tô, Triết Giang và Quảng Đông - ba tỉnh chiếm tổng cộng khoảng 1/3 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc. Sản lượng hàng hoá giảm có thể đẩy giá cả tăng cao.

Chính quyền các địa phương Trung Quốc đang yêu cầu cúp điện nhằm đạt mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải. Tuy nhiên, một số địa phương bị thiếu điện thực sự.

Ông Clark Feng, chủ Vita Leisure Co. – một công ty chuyên nhập lều bạt và hàng nội thất từ các công ty Trung Quốc để xuất khẩu – nói rằng việc cắt điện ở Triết Giang, nơi công ty đặt trụ sở, đã khiến hoạt động kinh doanh điêu đứng. Nhiều nhà sản xuất vải ở Triết Giang cũng rơi vào cảnh đình trệ sản xuất, bắt đầu phải tăng giá sản phẩm và tạm dừng nhận đơn hàng mới từ nước ngoài, ông Feng cho hay.

“Chúng tôi vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá ra nước ngoài. Giờ lại phải giảm công suất. Đây chắc chắn là một mớ hỗn độn”, ông Feng nói. “Từ trước đã có nhiều bấp bênh rồi, giờ tình hình lại càng khó khăn. Sẽ rất khó để giao hàng, nhất là trong mùa nghỉ lễ cuối năm”.

Yiwu Huading Nylong Co. Ltd., một nhà sản xuất vải sợi tổng hợp ở Triết Giang, đã phải giảm một nửa công suất hoạt động kể từ hôm 25/9 đến nay để phù hợp với yêu cầu của chính quyền địa phương về giảm lượng tiêu thụ điện. Công ty dự kiến đưa công suất trở lại mức bình thường từ ngày 1/10 và đang tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng của đợt cắt giảm hoạt động này.

Tình trạng cúp điện xảy ra sau đợt gián đoạn gần đây tại các cảng biển Trung Quốc – sự đứt gãy gây ảnh hưởng lan rộng trong toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Một phần cảng Ninh Ba-Chu San phải đóng cửa suốt vài tuần trong tháng 8 do Covid bùng phát, sau khi cảng Yên Đài ở Thẩm Quyến phải đóng cửa hồi tháng 5 vì lý do tương tự.

SỨC ÉP GIẢM TỐC KINH TẾ TRUNG QUỐC

Khủng hoảng thiếu điện gia tăng áp lực đối với kinh tế Trung Quốc, vào đúng thời điểm nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới giảm tốc vì những nhân tố như biện pháp kiểm soát Covid và hạ sốt thị trường bất động sản.

Nomura Holdings, China International Capital Corp. và Morgan Stanley đều đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và cảnh báo về nguy cơ giảm tốc sâu hơn của nền kinh tế do thiếu điện. Trong báo cáo ra ngày 28/9, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc về 7,8% từ mức 8,2% trước đó cho năm 2021, và còn 5,5% cho năm 2022.

“Thị trường toàn cầu sẽ cảm nhận được sự thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm từ dệt may, đồ chơi trẻ em tới linh kiện máy móc”, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura Holdings tại Hồng Kông, ông Lu Ting, nhận định. “Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc sẽ sớm chuyển từ ‘Evergrande’ thành ‘thiếu điện’”.

Pegatron Corp., một đối tác chủ chốt của Apple và là một nhà lắp ráp điện thoại iPhone, ngày 27/9 cho biết hoạt động sản xuất iPhone ở Trung Quốc bắt đầu phải cắt giảm tiêu thụ năng lượng. Theo Pegatron, việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện là tuân thủ chính sách của chính quyền địa phương.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình trạng thiếu điện ở nước này. Trong một bài báo hôm Chủ nhật, tờ Nhân dân nhật báo nói rằng thiếu điện sẽ buộc các công ty phải tăng giá bán hàng hoá cho người tiêu dùng Trung Quốc. Chính quyền tỉnh Liêu Ninh hối thúc cơ quan chức năng địa phương tìm biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của việc cúp điện đối với hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân.

Khi cuộc khủng hoảng thiếu điện lan rộng từ các nhà máy sang hộ gia đình, Công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc ngày 27/9 cho biết sẽ cố gắng hết sức có thể để tránh việc cắt điện, đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân về điện.

Giới phân tích nói rằng tình trạng thiếu điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả các ngành công nghiệp nặng như nhôm và thép cho tới những lĩnh vực hạ nguồn. Tại Quảng Đông, một trung tâm sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc, điện lực tỉnh hôm Chủ nhật ra một thông báo cho biết việc cắt điện quy mô lớn đã được triển khai đối với các nhà máy.

“Không ai biết chắc đến khi nào mới vượt qua được tình trạng thắt chặt chuỗi cung ứng này”, ông Hao Hong, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược của Bocom International, nhận định. “Tình hình có vẻ u ám trong mùa đông năm nay.

Ông Chen Yubing, một nhà quản lý của Suzhou Berya Textile Technology Co., một công ty xuất khẩu vải sợi tổng hợp ở Triết Giang, cho biết doanh nghiệp này đã hứng chịu “thiệt hại lớn” do phải tạm ngừng sản xuất vì thiếu điện. Các dây chuyền sản xuất của công ty chỉ được phép hoạt động 3 ngày mỗi tuần từ đầu tháng 9. Thông báo mới từ hôm thứ Hai tuần này đồng nghĩa công ty chỉ được sản xuất cách ngày. Khoảng một nửa doanh thu của công ty đến từ khách hàng nước ngoài.

“Chúng tôi đã gặp vấn đề trong việc giao một số đơn hàng rồi”, ông Chen nói. “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm lúc này là chờ và đàm phán với khách hàng”.

Khung pháp lý