CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Không nên làm giảm tính cạnh tranh của thị trường

Invest Global 08:28 08/02/2023

Giá vé máy bay “cắt cổ” trong khi một số hãng hàng không bay nhiều vẫn lỗ, hay những bất cập trong điều hành giá xăng dầu, đang làm cho nhiều người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi. Tất cả đòi hỏi cần vai trò linh hoạt hơn của cơ quan quản lý, nhất là khâu xây dựng chính sách cần tránh can thiệp nửa vời, tránh giảm tính cạnh tranh của thị trường.

Nhiều người đang quan tâm đến thông tin hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines có thể bị hủy niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) do kinh doanh thua lỗ kéo dài. 

Không để người tiêu dùng chịu thiệt

Theo báo cáo tài chính của Vietnam Airlines, trong quý IV/2022 đã lỗ ròng gần 2.700 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này được lý giải là do thị trường quốc tế phục hồi chậm, chi phí nhiên liệu tăng mạnh, xung đột Nga-Ukraine, các biến động về tỷ giá và lãi suất tăng. Tổng cộng hãng hàng không quốc gia đã có 12 quý lỗ liên tiếp, tính ra đang lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng. 

-4124-1675762169.jpg

Trong khi một số hãng hàng không nội địa thua lỗ thì các khách hàng phải chịu thiệt thòi với giá vé máy bay “cắt cổ”.

Còn với CTCP Hàng không VietJet (VJC), trong báo cáo tài chính quý IV/2022 cũng lần đầu báo lỗ gộp gần 2.167 tỷ đồng. Hãng hàng không tư nhân này vẫn đối mặt với khó khăn do giá nhiên liệu cao và đường bay quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn cũng như lãi suất tăng mạnh và tỷ giá ở mức cao.

Nhìn vào bức tranh ảm đạm nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, các hãng bay nội địa nên nghĩ cách nào để giảm thiểu chi phí đầu vào như thuê máy bay, thuê dịch vụ khác, nhân sự và bộ máy điều hành, để cắt giảm, tiến tới cân đối được tài chính nhằm nâng cao sức cạnh tranh, chứ không thể cứ báo lỗ rồi lại muốn tăng giá vé máy bay để bù lỗ, dồn khó cho khách hàng.

Như chia sẻ của một khách hàng đi máy bay là anh Trần Văn Châu (trú tại Tp.HCM), giá vé máy bay nội địa thời gian gần đây còn cao hơn khi bay các nước châu Á, giá vé đắt gấp đôi, gấp ba lần so với những năm trước dịch. Trong khi đó, người dân mua vé du lịch nước ngoài của các hãng bay trong khu vực còn rẻ hơn nhiều. 

Chẳng hạn như chặng bay từ Hà Nội đi Tp.HCM, giá vé còn cao vé bay đi một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines. Thậm chí, có một vài chặng bay, giá vé còn tương đương với bay đi Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Nhìn vào thực trạng nêu trên, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, các cơ quan quản lý không thể nào để người tiêu dùng chịu thiệt thòi với giá vé máy bay cao như vậy. Không thể bao biện cho chuyện thua lỗ của các hãng hàng không để khi giá vé tăng đột biến thì người tiêu dùng phải bù lỗ cho họ. Chính việc tăng mạnh giá vé sẽ khiến cho doanh nghiệp (DN) hàng không càng dễ đi vào đường cùng.

Vì thế, không chỉ với vấn đề giá vé máy bay, với giá cả của nhiều loại dịch vụ và hàng hóa khác, theo ông Dũng, các cơ quan quản lý cần có sự điều tiết linh hoạt theo tín hiệu thị trường.

Cần tránh can thiệp nửa vời

Điều này cũng có thể thấy rõ bất cập trong việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua khi xét đến yếu tố quản lý và khâu chính sách. Chẳng hạn như trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định thời gian điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước giữa hai kỳ là 10 ngày, vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng.

Như lưu ý của ông Dũng, việc cứ 10 ngày điều tiết một lần là hoàn toàn cứng nhắc, trong thời gian trên có những lúc giá xăng dầu lên rất cao hoặc có thể xuống rất thấp nhưng nếu không điều tiết kịp thời, lại mang tính máy móc.

Trong khi đó, Bộ Công Thương chuyên trách về vấn đề này thì ít nhất phải có nhóm chuyên gia tham vấn, để khi thấy giá xăng dầu thế giới thay đổi hoặc thấy thị trường thay đổi, tăng hay giảm, thì phải có điều chỉnh ngay lập tức, không nhất thiết phải đợi 10 ngày/lần.

Mới đây, trong Dự thảo lần 2 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thời gian điều hành giá xăng dầu được đề xuất sửa đổi theo hướng rút ngắn, từ 10 ngày xuống mức 7 ngày, vào ngày thứ Năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ.

Ngoài ra, vào ngày 7/2, trong góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có nhấn mạnh đến việc Nhà nước không điều hành giá mà để cung cầu của thị trường quyết định thì luôn phải đi kèm với tăng cường tính cạnh tranh của thị trường. 

Theo VCCI, hiện nay, rất nhiều quy định quản lý trong lĩnh vực xăng dầu đang làm giảm tính cạnh tranh của thị trường. Chẳng hạn như quy định phân phối giữa cửa hàng bán lẻ và đơn vị bán buôn. Quy định này khiến các đơn vị bán buôn không cạnh tranh trực tiếp với nhau khi thu hút cửa hàng bán lẻ.

Hoặc như những quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, rào cản gia nhập thị trường quá cao khiến các DN đang tồn tại trên thị trường không phải lo lắng nguy cơ có DN mới gia nhập, dẫn đến các DN đang tồn tại không có nhiều động lực cải tiến nâng cấp dịch vụ để thu hút người dùng.

Theo VCCI, đây là những vấn đề cần được giải quyết nhằm tăng tính cạnh tranh của thị trường, là một trong những điều kiện quan trọng để tiến tới cho phép giá cả biến động theo cung cầu của thị trường.

Không chỉ giá vé máy bay hay giá xăng dầu, suy ra nhiều vấn đề giá cả của nhiều loại dịch vụ và hàng hóa khác, để không làm giảm tính cạnh tranh của thị trường thì các cơ quan quản lý cần tránh can thiệp nửa vời, có sự nhất quán trong chính sách. 

Song song đó, các cơ quan quản lý cần có chủ động trong điều hành, điều tiết về thị trường hàng hóa làm sao cho suôn sẻ, ít rủi ro cho DN. Nhất là cần dự báo được tình hình thế giới, đặc biệt là với những mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều và có ảnh hưởng đến giá cả, thị trường trong nước. Để từ đó các DN trong nước có chiến lược thích ứng tốt và tăng được sức cạnh tranh trên thị trường.

                                                                                 Thế Vinh

Ý kiến chuyên gia