CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kích cầu du lịch đâu chỉ là giảm giá

Invest Global 15:37 27/07/2020

Kích cầu du lịch không chỉ là giải pháp tạm thời bằng cách giảm giá mà phải nâng chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và xu hướng của khách hàng…thì chương trình kích cầu du lịch mới đạt hiệu quả lâu dài.

Du lịch biển đang quá tải trong mùa cao điểm.

Dịch Covid-19 tạm yên ắng tại Việt Nam, cùng với kỳ nghỉ hè muộn chính thức bắt đầu từ tháng 7 khiến du khách ùn ùn đổ về các địa điểm du lịch trong cả nước. Đông, vui, khởi sắc, nhưng cũng là lúc xuất hiện những dịch vụ kém chất lượng.

Giảm giá, giảm cả chất

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như: Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Nha Trang, Đà Lạt… “đói” khách. Trước tình trạng trên, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch kích cầu du lịch: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Cụ thể, các doanh nghiệp cho ra mắt các sản phẩm du lịch tập trung vào khách nội địa, kèm theo đó là chương trình giảm giá, khuyến mãi. Vì vậy, kể từ tháng 5 lượng khách du lịch nội địa đã tăng lên đáng kể.

Theo phản ánh của một số du khách, hiện nay đang vào mùa cao điểm, hàng loạt các tour ưu đãi được tung ra khiến cho các điểm du lịch nổi tiếng trong nước luôn trong tình trạng đông đúc, hàng không bị quá tải.

Một đại lý bán tour du lịch ở Hà Nội viết trên Fanpage: “Tháng 7 khắp nơi đều kín phòng rồi khách ơi. Hạ Long (Quảng Ninh) quá tải với 9000 lượt người vào bảo tàng. Tam Đảo tắc dài từ chân núi lên đến đỉnh. Homestay ở Ba Vì, Hòa Bình, Cát Bà... cũng “cháy” phòng. Sân bay quá tải từ sáng đến đêm... ”.

Như vậy, có thể thấy về mặt tích cực các chương trình kích cầu đã thu hút nhiều khách du lịch, từng bước phục hồi hoạt động du lịch tại các địa phương.

Song bên cạnh đó xuất hiện tình trạng chất lượng sản phẩm không đảm bảo, không đúng như cam kết với khách hàng. Nhiều đơn vị bán tour thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm giảm giá trị chương trình du lịch.

Thêm nữa, do lượng du khách tăng, nhiều nơi cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn ở các địa phương giảm sút.

Chị Hà Thu Loan (du khách Hà Nội) đến Đà Lạt cho biết, những ngày qua, Đà Lạt quá tải do lượng du khách đến quá đông. Từ khách sạn, nhà hàng, quán cà phê… chỗ nào cũng đông người. “Tuy không có chuyện chặt chém nâng giá vô tội vạ, do quá đông du khách đến Đà Lạt trong cùng một thời điểm, chất lượng phục vụ giảm sút nhiều so với những lần gia đình tôi đi trước đó”, chị Loan cho hay.

Ông Trần Bá Việt, Trưởng Phòng văn hóa và thông tin TP Vũng Tàu, cho biết trong những ngày qua, ông đã nhận được phản ánh về tình trạng phòng ở không như quảng cáo trên mạng do đó xảy ra tranh chấp giữa du khách với phía khách sạn, nhà nghỉ.

“Những trường hợp này thường xảy ra khi khách sạn bán hàng qua mạng xã hội cá nhân, không phải qua những trang bán hàng có uy tín. Ngoài ra, có tình trạng khách sạn, nhà nghỉ đã đồng ý bán phòng cho khách, đã nhận tiền nhưng vì thấy khách đông nên có ý đòi thêm tiền”, ông Việt cho hay.

Doanh nghiệp phải tính “đường dài”

Theo các chuyên gia ngành du lịch, kích cầu du lịch phải giữ chất lượng, bởi đó là uy tín, là thương hiệu. Khuyến mãi nhưng chất lượng kém là điều tối kỵ nếu muốn đi đường dài.

TS, KTS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững cho rằng Chính sách kích cầu là cơ hội vàng để du khách khám phá các điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam, cơ hội để giới thiệu nhiều điểm du lịch còn chưa được biết đến. Tuy nhiên, kích cầu không đơn thuần là giảm giá mà doanh nghiệp phải cam kết tăng chất lượng dịch vụ, làm mới chính những sản phẩm đang có và bảo đảm tiêu chí an toàn sức khỏe.

Mặt khác, các doanh nghiệp cần có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, không gây nhiễu loạn thị trường, bảo đảm chất lượng và ổn định tài chính của mỗi doanh nghiệp.

Ông Lương Duy Ngân, Chủ tịch HĐQT Newstar Group chia sẻ, khuyến mãi thực chất là điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh. Trước đây, khách phải chi nhiều tiền, thì nay, họ chi ít tiền hơn mà vẫn được hưởng thụ những dịch vụ “hoàng gia” vốn chỉ dành cho khách nước ngoài hoặc giới thượng lưu.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp “làm ăn chân chính” thường công khai, minh bạch thông tin để khách hàng biết và lựa chọn. “Nếu doanh nghiệp nào làm ăn gian dối, sẽ phải chịu trách nhiệm và hậu quả lớn nhất là du khách sẽ tẩy chay, quay lưng”, ông Ngân nhấn mạnh.

Giám đốc một doanh nghiệp lữ hành cũng thừa nhận, cao điểm mùa du lịch năm nay đã xảy ra hiện tượng "chặt, chém", yêu cầu du khách phải ăn tại khách sạn mới được thuê phòng... “Sự chụp giật trong cách làm ăn của một số đơn vị kinh doanh này sẽ gây ra hình ảnh xấu cho khách du lịch, khiến du khách mang tâm lý không dám quay trở lại”, vị này chia sẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, năm nay kỳ nghỉ hè đến muộn do dịch Covid-19, vì vậy mùa cao điểm du lịch sẽ diễn ra từ tháng 7 và giữa tháng 8. Nhiều khu du lịch nổi tiếng sẽ trở nên quá tải. Vì vậy, du khách tìm hiểu kỹ, chọn các nhà cung cấp dịch vụ uy tín để tránh “tiền mất, tật mang”.

Mới đây Tổng cục Du lịch có văn bản số 898/TCDL-LH gửi Sở quản lý du lịch các tỉnh/ thành phố về việc yêu cầu việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ tại các địa phương.

Tổng cục Du lịch đề nghị Sở quản lý du lịch các địa phương rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp các dịch vụ kém chất lượng cho khách du lịch. 

Đồng thời chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch và cơ sở vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện tốt một số nội dung nhằm đảm bảo uy tín của ngành, quyền lợi của khách du lịch, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch, thực hiện hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, kích cầu du lịch nội địa.

Trong đó, yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ; tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất; kịp thời thay thế, sửa chữa trang thiết bị hỏng hóc, thay mới các vật dụng đã cũ, không đảm bảo chất lượng. Nhanh chóng bổ sung nguồn nhân lực, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng ở tất cả các bộ phận, các khâu phục vụ nhằm đáp ứng quy trình chuẩn trong phục vụ khách.

Tăng cường việc đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống tại địa phương. Tổng cục Du lịch cũng đề nghị các địa phương, khu, điểm du lịch đảm bảo thông suốt đường dây nóng, kịp thời cung cấp thông tin, trả lời và giải quyết khiếu nại của khách du lịch trên địa bàn.

Hoàng Hà

Môi trường kinh doanh