CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kích cầu từ đâu?

Invest Global 15:02 19/11/2020

(TBKTSG) - Tiêu dùng khu vực tư là một động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam, và trở nên quan trọng hơn trong tình hình đại dịch Covid-19 khi nhu cầu thế giới sụt giảm mạnh, các nước hạn chế việc đi lại. Một nền kinh tế có dân số đông, thu nhập còn hạn chế, tỷ lệ tiết kiệm cao như Việt Nam thì chính sách nào sẽ kích cầu hợp lý?

Các chương trình kích cầu ngoài mục tiêu mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp xúc, đàm phán trực tiếp giữa đơn vị sản xuất và nhà phân phối, đơn vị xuất nhập khẩu... đồng thời, mang đến cho người dân trải nghiệm tham quan, mua sắm. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngắn hạn trong bối cảnh Covid-19

Để đương đầu với dịch Covid-19, rất nhiều chính phủ trên thế giới đã phải chấp nhận hy sinh kinh tế, tăng tỷ lệ nợ công/GDP và tăng thâm hụt ngân sách. Ngân sách của nhiều chính phủ rơi vào tình trạng tăng chi giảm thu: chi cho hệ thống y tế, hỗ trợ tiền mặt, tín dụng cho người lao động và doanh nghiệp; giảm và hoãn nhiều loại thuế. Ở một số nơi có hệ thống an sinh xã hội tốt như ở châu Âu, tỷ lệ nợ công/GDP lên đến 80-110% và thâm hụt ngân sách lên đến 8-9% GDP.

Về các gói hỗ trợ kinh tế, xét theo tỷ lệ phần trăm GDP thì Việt Nam khá khiêm tốn so với nhiều nước. Ước tính trung bình của khối EU là 5% GDP, trong khi đó hai nước khá gần với Việt Nam trong ASEAN là Malaysia và Thái Lan cũng tương ứng 2,5% và 1,23 % GDP. Với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng (nhưng tới nay vẫn chưa giải ngân hết), con số này của Việt Nam chỉ tương đương với 0,7% GDP.

Trong bối cảnh rất nhiều nước mạnh dạn điều chỉnh ngân sách, thiết nghĩ Việt Nam cũng còn nhiều dư địa để kích cầu tiêu dùng trong nước. Nhưng tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập và giá cả, vậy nên bắt đầu từ đâu?

Thu nhập bình quân tháng của nhóm nghèo, cận nghèo, trung bình năm 2018 tương ứng là 931.000 đồng; 1,8 triệu đồng và 2,77 triệu đồng. Điều này cho thấy có gần 15 triệu hộ gia đình, tức khoảng 60 triệu người, chưa thể tiếp cận được nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản vì khoảng cách giữa thu nhập và giá cả. Một điều đáng lưu ý là chi tiêu của các hộ gia đình cho ăn, uống, hút chiếm một tỷ trọng lớn trong thu nhập vì số liệu gần nhất là 48% trong khảo sát năm 2016. Các nhu cầu khác như nhà ở, điện nước, vệ sinh, thiết bị và đồ dùng gia đình, y tế và chăm sóc sức khỏe, đi lại, giáo dục, văn hóa, thể thao, và giải trí dĩ nhiên còn bị hạn chế nhiều hơn.

Vì vậy trong ngắn hạn, kích cầu tiêu dùng sẽ hiệu quả khi tác động trực tiếp vào giá cả hàng hóa dịch vụ. Chính sách trợ giá có thể trực tiếp hay gián tiếp nhưng nên tập trung vào các nhóm hàng lương thực thực phẩm, vì nhu cầu thực phẩm an toàn, chất lượng là rất lớn ở ba nhóm thu nhập đề cập ở trên. Tiếp đến là tăng khả năng tiếp cận trong các nhóm hàng hóa liên quan đến nhà ở, thiết bị đồ dùng gia đình. Chẳng hạn, có thể hỗ trợ qua điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, hay hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp. Trong trường hợp cần thiết bù đắp phần hụt thu thuế giá trị gia tăng, có thể điều chỉnh khung thuế suất thuế thu nhập cá nhân, theo hướng giảm số bậc chịu thuế và tăng thuế suất ở các nhóm thu nhập cao.

Dài hạn vì mục tiêu tự cường và bền vững

Trong dài hạn, chính sách trợ giá sẽ không thể kéo dài nên các chính sách kích cầu cần tập trung vào tăng thu nhập của người dân, thông qua việc làm. Muốn vậy, cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, dịch vụ.

Trong cơ cấu hàng nhập khẩu, số liệu chín tháng đầu năm 2020 cho thấy có 93,5% là nhóm hàng tư liệu sản xuất, 6,5% là hàng tiêu dùng - với giá trị ước tính 12,16 tỉ đô la Mỹ. Ngoài những nhóm hàng bắt buộc phải nhập để làm đầu vào cho xuất khẩu, nếu nhìn vào tỷ trọng và giá trị của nhóm hàng tiêu dùng, thiết bị dụng cụ, thì tiềm năng thay thế hàng nhập khẩu để phục vụ thị trường nội địa là rất lớn.

Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng điện máy, điện tử, đồ dùng gia đình, nội thất còn rất yếu và thiếu. Nhiều doanh nghiệp tham gia theo hướng gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng rất hạn chế. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất này, tăng dần tỷ trọng nội địa hóa và dần dần sở hữu được toàn bộ dây chuyền công nghệ, kể cả một phần hay toàn bộ đầu vào.

Số lượng doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng sẽ hấp thụ một lượng lớn lao động, việc làm sẽ tạo ra thu nhập và đây chính là lực đẩy tiêu dùng vững bền. Không những thế, việc làm ổn định còn đảm bảo cho dòng tiền thu nhập trong tương lai, từ đó có thể khuếch đại khả năng chi tiêu qua tín dụng.

Đại dịch Covid-19 là một cú sốc lớn với rất nhiều nền kinh tế trong đó có Việt Nam. Nhưng khả năng chống chịu, phục hồi và phát triển (resilience) của Việt Nam cho thấy đây cũng là cơ hội để Việt Nam chú trọng hơn đến khu vực kinh tế tư nhân và thị trường trong nước. Tỷ lệ nợ công/GDP dự kiến trong năm 2021 là 46,1% trên cơ sở GDP được đánh giá lại nên hoàn toàn có thể tăng thêm tỷ lệ này, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất thực quanh mức 0% ở các nền kinh tế phát triển, cũng như tỷ lệ tiết kiệm ở trong nước cao. Tuy vậy, các chính sách như tăng nợ công, kiểm soát lạm phát cần được nghiên cứu kỹ với số liệu của Việt Nam ở hai vấn đề sau.

Thứ nhất là hiệu số của lãi suất r và tốc độ tăng trưởng g. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu r-g < 0 thì tỷ lệ nợ công sẽ tiến đến ngưỡng ổn định. Trong trường hợp xuất phát điểm của tỷ lệ nợ công/GDP không quá cao thì việc tiếp tục tăng vay nợ sẽ hoàn toàn khả thi vì chi phí lãi vay thấp, được bù đắp bởi tăng trưởng.

Thứ hai là mối tương quan giữa lãi suất thực và tăng trưởng. Kết quả nghiên cứu về mối tương quan này cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, vì sự khác biệt giữa các nước trong mô hình nghiên cứu: có trường hợp là quan hệ cùng chiều, nhưng cũng có trường hợp không thể hiện rõ mối quan hệ. Nếu Việt Nam rơi vào trường hợp đầu thì việc điều chỉnh lãi suất thực sẽ quan trọng hơn là chỉ nhìn vào lạm phát.

Tóm lại, việc kích cầu với bối cảnh của kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn cần thông qua hỗ trợ giá để người dân có thể tăng mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Trong dài hạn cần tạo thêm việc làm từ các doanh nghiệp trong nước, chú trọng vào lĩnh vực sản xuất chế tạo, dịch vụ. Các chính sách trong dài hạn cần phải dựa trên các kết quả nghiên cứu đáng tin cậy, qua sự phản biện của các chuyên gia kinh tế.

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global