CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Lãi suất tiền gửi thấp nhất chỉ còn 2,55%/năm, tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng

Invest Global 15:56 18/09/2020

Tâm lý “phòng thủ” của người dân chính là lý do khiến nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm và ở mức thấp nhất trong vài năm gần đây.

Dù lãi suất huy động thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng.

Trong biểu lãi suất huy động mới nhất vừa áp dụng từ ngày 15/9, Techcombank tiếp tục giảm mạnh lãi suất ở các kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng dành cho khách hàng dưới 50 tuổi chỉ còn 2,55%/năm; kỳ hạn 2 tháng là 2,65%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng còn 2,75%/năm… Các kỳ hạn này tiếp tục giảm tới 0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất đầu tháng 9.

Ở kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất dao động từ 4,4-4,9%/năm đối với khách hàng thông thường và 4,7-5%/năm đối với khách hàng ưu tiên.

Các kỳ hạn trung và dài hạn, Techcombank giữ nguyên lãi suất với mức 4,9-5,4%/năm đối với khách hàng thường và 5,2-5,5%/năm đối với khách hàng ưu tiên ở kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất cao nhất tại Techcombank khi gửi tại quầy hiện chỉ còn 5,6%/năm (khi gửi kỳ hạn từ 24 tháng trở lên và thuộc diện khách hàng ưu tiên).

Ngược lại, Nam A Bank điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn dài. Trong đó, lãi suất các kỳ hạn dài từ 30-36 tháng giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm so với trước đó, xuống còn 6,8%/năm.

Với việc liên tục điều chỉnh lãi suất trong thời gian gần đây, Techcombank đang là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, thậm chí thấp hơn nhiều so với 4 ngân hàng có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank).

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND của tổ chức tín dụng vẫn có xu hướng giảm. Hiện, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7 - 4,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 - 7,1%/năm.

Dù lãi suất huy động liên tục giảm, nhưng người dân vẫn lựa chọn ngân hàng để gửi tiết kiệm. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 7 năm nay ước đạt hơn 11,163 triệu tỷ đồng, tăng 5,58% so với cuối năm 2019 (số liệu này chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng trong nước mua).

Cùng với tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán, lượng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 7 cũng đạt trên 5,08 triệu tỷ đồng, tăng 5,2%. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng cũng tăng 4,44%, đạt 4,138 triệu tỷ đồng.

Tình trạng dư thừa thanh khoản cũng thể hiện qua các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND trong tuần trước đạt xấp xỉ 358.876 tỷ đồng, bình quân 71.775 tỷ đồng/ngày, giảm 2.845 tỷ đồng/ngày so với tuần liền trước. Trong khi đó, doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 124.730 tỷ đồng, bình quân 24.946 tỷ đồng/ngày, giảm 956 tỷ đồng/ngày so với tuần liền trước.

Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (72% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (14% tổng doanh số giao dịch).

So với tuần liền trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần, tăng nhẹ ở kỳ hạn 1 tháng, với mức lần lượt là 0,15%/năm, 0,27%/năm và 0,7%/năm.

Thanh Hoa