CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Lãi suất, tỷ giá sẽ được kiểm soát tốt

Invest Global 10:05 27/05/2022

Lãi suất điều hành dự báo vẫn được giữ nguyên trong năm 2022 do dư địa giảm không còn nhiều khi áp lực lạm phát tăng mạnh trong năm 2022...

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đồng tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”. Đây là lần đầu tiên một định chế tài chính Việt Nam phối hợp với ADB thực hiện báo cáo đánh giá toàn cảnh thị trường tài chính Việt Nam bao gồm các lĩnh vực Ngân hàng – Chứng khoán – Bảo hiểm. Trong đó, hoạt động ngân hàng dù phải tiếp tục đối diện với những tồn tại cũ và khó khăn mới nhưng vẫn sẽ khởi sắc.

Linh hoạt ứng phó với sức ép lạm phát cao

Theo Nhóm nghiên cứu, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát có thể lên mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023. Trong bối cảnh đó, dự báo NHNN sẽ duy trì CSTT linh hoạt, phù hợp, phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp trong năm 2022.

Theo đó, CSTT sẽ phối hợp với CSTK nhằm thực hiện thành công chương trình hỗ trợ lãi suất trị giá 40 nghìn tỷ đồng trong hai năm (2022-2023) và chỉ đạo TCTD tiết giảm chi phí phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm trong 2 năm. Trong khi đó, lãi suất điều hành dự báo vẫn được giữ nguyên trong năm 2022 do dư địa giảm không còn nhiều khi áp lực lạm phát tăng mạnh trong năm 2022.

lai suat ty gia se duoc kiem soat tot Ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế

Về tỷ giá, Báo cáo nhận định, các yếu tố tác động tổng thể nhìn chung vẫn ủng hộ cho xu hướng ổn định của tỷ giá trong nước dù chịu áp lực tăng. Theo Nhóm nghiên cứu, kinh tế Việt Nam dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và những năm tới. Theo đó, các dòng ngoại tệ cơ bản như xuất nhập khẩu, dòng vốn FDI, kiều hối, M&A sẽ được cải thiện đáng kể trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên của nhiều hiệp định FTA với các đối tác lớn như CPTPP, RCEP, EVFTA...; và các đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và một số thành viên EU...). Nhóm nghiên cứu ước tính cán cân vãng lai có thể thặng dư khoảng 8-12 tỷ USD trong năm 2022. Ngoài ra, chính sách điều hành tỷ giá ngày càng chủ động, linh hoạt và có tính thị trường cao của NHNN cũng là cơ sở để tỷ giá trong nước duy trì sự ổn định. “Với các công cụ và giải pháp điều hành gần đây, cộng thêm nguồn dự trữ ngoại hối đang được bồi đắp mạnh mẽ trong nhiều năm qua sẽ là nguồn hỗ trợ để NHNN thực hiện mục tiêu điều tiết ổn định tỷ giá khi cần”, Báo cáo cho biết.

Về tín dụng, Báo cáo dự báo tín dụng sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022, đặc biệt, vào quý II và quý IV/2022, dự kiến ở mức 14%-15% (tính cả các gói tín dụng từ Chương trình phục hồi). Tín dụng tăng đến từ cả phía cung và phía cầu. Về phía cung, các TCTD với năng lực tài chính tăng, chất lượng tín dụng được kiểm soát tích cực, sẽ được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2021. Về phía cầu, nền kinh tế đang phục hồi, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng tăng lên.

Tuy nhiên, các TCTD cần lưu tâm đến vấn đề nợ xấu, nhất là nợ xấu tiềm ẩn. Dù nợ xấu nội bảng của các TCTD giảm nhẹ (xuống 1,5% năm 2021 từ mức 1,7% năm 2020, nhưng nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) tăng lên 6,3% cuối năm 2021 (từ 5,1% năm 2020). Dự kiến, nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ tăng lên mức 2% và nợ xấu gộp còn ở mức cao (khoảng 6%), nếu như Thông tư 14 của NHNN (sẽ hết hiệu lực cuối tháng 6/2022) không được gia hạn.

Với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy tín dụng tăng mạnh trở lại; đồng thời, các TCTD tiếp tục phát triển dịch vụ, nhất ngân hàng số, bancassurance, dịch vụ khách hàng ưu tiên (private banking) và tiết giảm chi phí; dự báo kết quả kinh doanh ngành Ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu sẽ tiếp tục được các TCTD chú trọng vì đây là nhu cầu hiện hữu của các TCTD nhằm đáp ứng chuẩn Basel II và ứng với mức tăng tài sản rủi ro (tín dụng) ở mức khá cao (14-15%). Tuy nhiên, mức độ tăng vốn sẽ ít hơn năm 2021 do thị trường chứng khoán đang điều chỉnh.

Những khuyến nghị chính sách

Dựa trên những phân tích về triển vọng thị trường năm 2022, Nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hoạt động của hệ thống TCTD.

Thứ nhất, tạo điều kiện để TCTD tăng vốn vừa đảm bảo an toàn, vừa tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, nhất là giai đoạn phục hồi.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế cho hoạt động tài chính - ngân hàng. Theo đó Chính phủ sớm ban hành Nghị định về thị trường mua - bán nợ, xây dựng Luật về xử lý nợ xấu hoặc sửa đổi Luật Các TCTD phù hợp; Đẩy nhanh xây dựng khung pháp lý (kể cả cơ chế thử nghiệm) cho hoạt động Fintech, hợp tác ngân hàng – Fintech và Bigtech, chia sẻ dữ liệu, phê duyệt tín dụng online... tạo điều kiện cho các TCTD triển khai ngân hàng số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt...

Thứ ba, gia hạn Thông tư 14/2021/TT-NHNN (ít nhất là đến hết năm 2022 hoặc hết năm 2023 phù hợp với thời điểm kết thúc Chương trình phục hồi) và kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 đến ngày 31/12/2023 (khớp với thời điểm kết thúc Chương trình phục hồi), sau đó có thể xây dựng bộ luật riêng về xử lý nợ xấu hoặc sửa đổi Luật Các TCTD phù hợp. Những việc này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy việc xử lý nợ xấu trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn tăng do tác động bởi dịch Covid-19 và cũng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có khả năng phục hồi.

Thứ tư, NHNN linh hoạt trong giao hạn mức tăng trưởng tín dụng và khuyến khích phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh... để các TCTD có nền tảng mở rộng hoạt động kinh doanh song vẫn đi đôi với kiểm soát chặt chẽ rủi ro, từ đó tăng trưởng lợi nhuận, có điều kiện tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân theo Chương trình phục hồi của Chính phủ.

Thứ sáu, sớm ban hành hướng dẫn triển khai Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi Chính phủ ban hành, phấn đấu hết năm 2022, hoàn thành khoảng 35%-40% kế hoạch, chỉ tiêu đề ra.

Thứ bảy, tăng cường giáo dục tài chính, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích của sản phẩm – dịch vụ tài chính.

Thứ tám, Bộ Tài chính phối hợp NHNN phát triển thị trường mua - bán nợ. Việc hình thành thị trường mua bán nợ nói chung là một trong những tiền đề để tăng sự thanh khoản cho thị trường và xử lý nợ xấu, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, gồm cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia trị trường mua - bán nợ, góp phần phát triển thị trường vốn tại Việt Nam.

Thứ chín, Bộ Tài chính chủ trì đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh.

Thứ mười, NHNN tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, không chỉ lĩnh vực thanh toán mà còn cả hoạt động cấp tín dụng.

Môi trường kinh doanh