CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Lợi nhuận công ty niêm yết đã tạo đáy trong quý I/2023?

Invest Global 09:20 24/05/2023

BSC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế khối doanh nghiệp niêm yết trong 3 kỳ báo cáo còn lại của năm 2023 sẽ dần phục hồi. Công ty chứng khoán này dự phóng mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt 2,8% theo kịch bản tích cực.

EmptyLợi nhuận các công ty niêm yết đã tạo đáy trong quý I/2023?. Ảnh: Trọng Hiếu.

Mùa BCTC quý I/2023 vừa qua ghi nhận lãi ròng các nhóm ngành đạt khoảng 89.692 tỷ đồng trong kỳ, sụt giảm 19,6% so với cùng kỳ. Một số nhóm ngành sụt giảm như ngân hàng (-4,8% so với cùng kỳ năm trước), hóa chất (-62,9%), dịch vụ tài chính (-62,1%).

BSC cho rằng nguyên nhân sự sụt giảm đến từ một vài yếu tố như: Mức nền lợi nhuận cao trong quý I/2022 và lợi nhuận đột biến; giá hàng hóa sụt giảm; và sức mua tiêu dùng kém, tăng trưởng kinh tế chậm lại.  Dù vậy, một số nhóm ngành vẫn ghi nhận điểm sáng tích cực như: Dầu khí (tăng 95,8%), bất động sản (tăng 50,6%, chủ yếu do VHM, VRE và VIC ghi nhận lợi nhuận tốt), du lịch và giải trí (tăng 116,8%), và y tế (tăng 29,5%), điện- nước xăng dầu khí đốt (tăng 1%).

Mặc dù lợi nhuận các nhóm ngành suy giảm, song với việc chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi kèm với mức nền thấp về lợi nhuận trong nửa cuối năm 2023, BSC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế trong 3 kỳ báo cáo còn lại của năm 2023 sẽ dần phục hồi. Theo đó, BSC dự phóng mức tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt 2,8% theo kịch bản tích cực.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu phòng thủ/ít chịu tác động từ chu kỳ kinh tế sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định hai chữ số bao gồm: Điện, công nghệ thông tin, viễn thông.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu có mức nền KQKD thấp trong năm 2022 chịu nhiều yếu tố “cơn gió ngược chiều” mang yếu tố chu kỳ như giá hàng hóa sụt giảm mạnh nửa cuối năm 2022, lãi suất tăng cao nửa cuối năm 2022; giá nguyên vật liệu tăng mạnh trong năm 2022 sẽ có mức phục hồi đáng kể trong năm 2023: Vật liệu xây dựng, hàng không, F&B.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu có mức nền KQKD cao trong năm 2022 chịu áp lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 bao gồm: Ngân hàng, thủy sản, dệt may, dầu khí (GAS và BSR), bất động sản, cảng biển, bán lẻ và công nghiệp (hóa chất).

Ở góc nhìn khác, BSC nhìn nhận sự suy giảm tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1/2023 khiến cho định giá thị trường ít hấp dẫn hơn. Tại thời điểm cuối tháng 4/2022, VN-Index giao dịch ở mức P/E khoảng 11,4 lần tiệm cận mức độ lệch chuẩn -1,65 lần. Tuy nhiên, sau khi kết quả kinh doanh quý 1/2023 công bố, định giá P/E của thị trường đã điều chỉnh lên trên mức -1 lần độ lệch chuẩn, tương đương PE trailing khoảng 13,4 lần. Điều này khiến cho định giá thị trường trong ngắn hạn trở nên ít hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên trong kịch bản tích cực, thị trường đang mở ra cơ hội lớn trong trung và dài hạn với việc kỳ vọng lợi nhuận dự kiến dần phục hồi trong các quý còn lại của năm, định giá thị trường sẽ dần được điều chỉnh lại ở mức hấp dẫn hơn. BSC cho rằng nhà đầu tư cần chú ý 2 yếu tố trong nửa cuối năm 2023.

Thứ nhất, tỷ suất thu nhập trên giá E/P sẽ dần cải thiện khi kết quả kinh doanh phục hồi trong nửa sau của năm. Dựa theo mức dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2023 bằng 2,8% , E/P dự phóng năm 2023 khoảng 9,0% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức).

Thứ hai, việc lạm phát được kiểm soát ở mức thấp sẽ tạo điều kiện cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ. Dự kiến trong quý 2/2023, NHNN có thể sẽ tiếp tục hạ thêm 0,5% lãi suất điều hành, qua đó giúp lãi suất huy động bình quân ước đạt khoảng 6,5% trong nửa cuối năm 2023.

Đặc biệt, BSC nhìn nhận định giá nhóm vốn hóa vừa và nhỏ không còn rẻ. Đây là nhóm cổ phiếu duy trì hiệu suất tương đối tích cực giai đoạn đầu năm 2023, điều này đến từ việc dòng tiền co hẹp khiến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phù hợp khẩu vị của nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, với việc kết quả kinh doanh quý I/2023 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ đi kèm với việc ghi nhận hiệu suất tương đối tốt trong 4 tháng đầu năm đã khiến định giá của hai nhóm trên không còn hấp dẫn. Do đó, BSC kỳ vọng dòng tiền sẽ dần dịch chuyển về các cổ phiếu vốn hóa lớn với các ưu thế như đứng đầu ngành, tài chính ổn định và khả năng giành thêm thị phần nhờ ưu thế về quy mô đi kèm với mức định giá đã được chiết khấu tương đối so với thị trường.