CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Mỗi xã đều có một đặc sản

Invest Global 15:25 21/09/2020

Quyết định số 1292/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh.

Sản phẩm làng nghề tham gia xếp hạng đánh giá theo Chương trình OCOP

Đối tượng áp dụng là các sản phẩm nông nghiệp và ngành nghề nông thôn đã được xác định. Chủ thể thực hiện là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh, các hộ dân tham gia sản xuất kinh doanh đối với các sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình, trong đó chú trọng các hợp tác xã tham gia chương trình. 

Nhóm sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong ngành thực phẩm gồm, thực phẩm tươi sống như, rau, củ, quả tươi, xoài, thịt, trứng, sữa tươi và thủy sản tươi (thịt heo, sữa tươi, tôm tươi, cá tươi); nhóm thực phẩm chế biến được chế biến từ gạo, ngũ cốc như bánh tráng; Nhóm chế biến từ rau, củ, trái cây sấy; nhóm chế biến từ sữa như sữa chua; nhóm chế biến từ thủy sản là khô cá sặc, khô cá dứa; nhóm đồ uống không cồn như nước yến, yến chưng sẵn….

Các nhóm sản phẩm trên được đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo 3 phần, phần A là các tiêu chí đánh giá sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (35 điểm) gồm, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng; Phần B gồm đánh giá về khả năng tiếp thị (25 điểm), câu chuyện về sản phẩm; Và phần C là tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm (40 điểm) như, cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế. Căn cứ vào kết quả đánh giá sản phẩm theo Bộ Tiêu chí. Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và phân thành 5 hạng, cao nhất là 5 sao, thấp nhất là 1 sao…

Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh, Chương trình OCOP của thành phố tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được lựa chọn gồm rau, hoa cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh. Sáu sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống là đan lát Thái Mỹ, bánh tráng Phú Hòa Đồng, mành trúc Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), nghề muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).

Ngoài ra còn có 3 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành là khô cá dứa Cần Giờ, khô cá sặc Củ Chi, tổ yến Cần Giờ. Mục tiêu thành phố đặt ra cho chương trình OCOP là tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; Hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; Củng cố 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP; Phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP. 

Với nhóm sản phẩm và làng nghề đã được xác định, hiện nay thành phố cũng đã hoàn thiện Bộ Tiêu chí, trình tự, thủ tục đánh giá phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP trên địa bàn vùng nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, cơ quan chức năng đã có cơ sở để đánh giá, xếp loại sản phẩm đặc sản được nhà nông tại TP. Hồ Chí Minh sản xuất. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng kỳ vọng nhóm sản phẩm mình đầu tư sản xuất như cá, tôm khô, tổ yến... từng bước đạt yêu cầu, xếp vào danh sách sản phẩm ba, bốn hoặc năm sao, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.