CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngân hàng lo 'cạn room' khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Invest Global 08:54 28/05/2022

Mặc dù khẳng định đã sẵn sàng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng với room tín dụng hiện nay, các ngân hàng thương mại lo sẽ không đáp ứng đủ. Để nguồn vốn này đến tay doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhiều nhà băng mong muốn được nâng hạn mức tín dụng.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, tín dụng sẽ tăng hơn bù đắp vào nguồn tín dụng bị thiếu hụt cho nền kinh tế, đồng thời bù đắp vốn trái phiếu doanh nghiệp đang bị “siết”.

Nhu cầu tín dụng như "cơn khát sau trận hạn"

Hầu hết các ngân hàng đều khẳng định, đến thời điểm hiện nay đã ban hành quy định nội bộ về hỗ trợ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề mà các ngân hàng băn khoăn nhất hiện nay là room tín dụng đang ở mức thấp, nếu không được nới thêm thì sẽ khó đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.

ho-tro-ls-jpeg-7457-1653652725.jpg

Các ngân hàng lo ngại với mức room tín dụng được giao như hiện nay sẽ không đủ để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Với quy mô gần 1,3 triệu tỷ đồng dư nợ và 198 chi nhánh ở thời điểm nay, BIDV cho biết có hơn 10 nghìn khách hàng hiện hữu đáp ứng điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ 2% lãi suất với gần 200 nghìn khoản vay.

Đáng chú ý, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và năm tới.

“Bắt đầu từ quý IV/2021 đến nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng lên rất mạnh, đặc biệt là các khách hàng tốt. Trong khi đó, room tín dụng 10% là không thể đáp ứng. Rất mong Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng cho BIDV và các tổ chức tín dụng (TCTD) lớn để triển khai hỗ trợ lãi suất hiệu quả", ông Phương kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, 5 tháng đầu năm nay, tín dụng của ngân hàng này đã tăng trưởng ở mức “đáng kinh ngạc” trên 9%. Trong khi đó, dư nợ cho vay các đối tượng được hỗ trợ lãi suất chiếm tới gần 30% tổng dư nợ với gần 30.000 khách khàng.

Các ngân hàng đề nghị NHNN đẩy mạnh công tác truyền thông về đối tượng gói hỗ trợ lãi suất 2% để thống nhất công tác thông tin truyền thông trong toàn ngành, tránh việc mỗi ngân hàng giải thích một cách khác nhau gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Theo ông Cường, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như "cơn khát sau trận hạn", tăng lên rất nhanh. Với room tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ, vì vậy mong NHNN nới room tín dụng.

NHNN sẽ xem xét bổ sung hạn mức?

Thông tin với các ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% này là giải pháp hỗ trợ thêm cho tăng trưởng tín dụng, “Nhưng không có nghĩa là tín dụng đi không đúng trọng tâm, trong điểm mà phải đạt được yêu cầu của Chính phủ”.

Ông Tú cho biết, tính đến ngày 27/5, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,75% so với đầu năm, tăng cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Theo lãnh đạo NHNN, với gói hỗ trợ lãi suất 2%, dự báo tín dụng sẽ tăng hơn. “Với khối lượng tín dụng cần thiết khôi phục nền kinh tế và bù đắp vốn trái phiếu doanh nghiệp, NHNN sẽ tính toán nghiên cứu làm sao có một lượng tín dụng bù đắp cho nền kinh tế một cách phù hợp, đáp ứng những nhu cầu khôi phục kinh tế, đảm bảo gói 2% này có đủ dư địa về mặt tín dụng để thực hiện một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất”, đại diện NHNN nói.

Đối với kiến nghị tăng “room” tín dụng của các ngân hàng, ông Tú cho biết: "Ngay từ khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng kỳ đầu tiên năm nay, NHNN cũng thấy tín dụng tăng nhanh hơn. Nhưng tăng đến mức độ nào, kiểm soát ở mức độ nào còn phải xem xét đến vấn đề kiểm soát lạm phát. Đó là câu chuyện vĩ mô. Tăng tín dụng mạnh thì mục tiêu kiểm soát lạm phát khó khăn, tăng ít thì không tăng trưởng kinh tế. Nên ở đây phải giải quyết thoả đáng".

“Room tín dụng không phải NHNN không biết, nhiều lúc rất đau đầu. Xử lý như nào hợp lý bởi nguy cơ lạm phát hiện hữu và thực tế đã tác động đến giá cả. Giá xăng dầu, giá hàng hoá… do tác động của căng thẳng địa chính trị và tình hình thế giới đã gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam”, Phó Thống đốc nói.

Thanh Hoa