CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngân hàng Nhà nước: 321.000 tỷ đồng dư nợ đã được gia hạn

Invest Global 14:43 23/09/2020

(TBTCO) - Tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020 diễn ra sáng 22/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 14/9, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng.

Hơn 8 tháng, tín dụng mới tăng 4,81%

Tại cuộc họp, NHNN cho biết mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ 2019, đến ngày 16/9/2020, tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019. Đến ngày 15/9/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019.

Tuy nhiên, tín dụng chính sách, đặc biệt là tín dụng hỗ trợ người nghèo, những đối tượng yếu thế trong xã hội thực hiện chủ yếu qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) có mức tăng trưởng khá tốt. Tính đến ngày 31/8/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 221.515 tỷ đồng, tăng 7,11% so với 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ. 

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Bên cạnh đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 ra đời đã hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn. Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Đồng thời, khách hàng đã chủ động hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD. Theo đó, tỷ trọng nợ xấu xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 đã xử lý từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến thời điểm 31/12/2019 và 31/5/2020 tương ứng khoảng 40,5% và 40,1%, cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012 - 2017 (22,8%).

Thanh toán qua di động tăng trưởng mạnh 

Về hoạt động thanh toán, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động thanh toán những tháng đầu năm 2020 vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước cả số lượng và giá trị giao dịch. Trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019; qua Internet tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 184,2% và 186,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngay khi dịch bệnh xảy ra, NHNN đã chủ động vào cuộc sớm và nắm bắt, chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay. NHNN cũng chỉ đạo Công ty cổ phần chuyển mạch quốc gia (Napas), các TCTD miễn, giảm các phí dịch vụ thanh toán; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức thanh toán trực tuyến qua ngân hàng. 

Đánh giá tác động dịch Covid-19 đến mục tiêu cơ cấu lại ngân hàng 

Về hỗ trợ tín dụng theo Thông tư số 01 cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch, tính đến ngày 14/9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.

Riêng NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 162 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 4.067 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75,2 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 1,4 triệu khách hàng với dư nợ trên 55 nghìn tỷ đồng. Trong việc miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, tổng số tiền phí giao dịch thanh toán các TCTD miễn, giảm cho khách hàng qua Napas đến hết năm 2020 khoảng 1.004 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Từ nay đến cuối năm, NHNN cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cấp tín dụng nhằm hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ. Theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp.