CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngành kho vận Việt vẫn chật vật để cạnh tranh

Invest Global 09:43 13/08/2020

Ngành kho vận ở Việt Nam đang phân tán với trên 95% số đơn vị cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước với năng lực cạnh tranh chưa cao. Trong khi đó, tình trạng thiếu kho bãi để phát triển các trung tâm phân phối vẫn là một thách thức lớn.

IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định ngành kho vận Việt Nam hiện còn phân tán với trên 95% số đơn vị cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong nước với phạm vi hoạt động khiêm tốn và năng lực cạnh tranh chưa cao.

Bơm vốn cải thiện năng lực

Do vậy, chỉ một vài công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang dẫn đầu thị trường và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cao. Hơn nữa, chi phí kho vận cao làm tăng chi phí kinh doanh chung và ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam cả trên toàn cầu và trong nước. 

Tp.HCM khó có thể đáp ứng nhu cầu kho bãi ngày càng cao.

Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ đang thực hiện một kế hoạch toàn diện để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các công ty kho vận trong nước. 

Để góp phần vào việc này, ngày 11/8, IFC cho biết sẽ cung cấp khoản vay trị giá 70 triệu USD cho CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (ITL Corp) của Việt Nam. 

Mục đích của khoản đầu tư là hỗ trợ phát triển ngành kho vận, nhờ đó thúc đẩy thương mại và tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Gói tài trợ của IFC, được xem như khoản đầu tư đầu tiên vào chuỗi cung ứng kho vận của Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hoạt động thương mại, được thực hiện đúng vào thời điểm khan hiếm các nguồn tài trợ dài hạn do tác động của đại dịch Covid-19.

Khoản vay này sẽ giúp ITL Corp, một trong những công ty kho vận nội địa hàng đầu tại Việt Nam, chuyển đổi và tăng trưởng thông qua việc bổ sung tài sản, phát triển kho bãi và cơ sở vật chất mới, và triển khai các hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến.

Hơn nữa, khoản đầu tư như trên sẽ cho phép DN này cung cấp các dịch vụ kho vận tích hợp và có chất lượng cao hơn cho khách hàng, trong đó có các nhà sản xuất trong nước và các DN  vừa và nhỏ.

Ông Ben Anh, Tổng giám đốc ITL Corp, chia sẻ: Đây là gói hỗ trợ rất có giá trị, chắc chắn sẽ giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống kho vận hiện tại cũng như mở rộng mạng lưới và danh mục kinh doanh tốt hơn. 

Còn theo đại diện của IFC: Khoản đầu tư của chúng tôi nhằm hỗ trợ sự tăng trưởng của các công ty kho vận tư nhân trong nước có khả năng cung cấp các dịch vụ hậu cần trọn gói và hiệu quả. 

Từ đó, sẽ giúp cải thiện năng lực của ngành để đáp ứng nhu cầu dịch vụ kho vận tích hợp, hiệu quả và tối ưu chi phí của các ngành sản xuất và chế biến có giá trị gia tăng cao hơn đang phát triển nhanh của Việt Nam.

Thừa xe tải nhỏ nhưng thiếu kho bãi

Theo giới chuyên gia, lĩnh vực kho vận tại Việt Nam đã có tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Điều này đến từ việc mức đầu tư nước ngoài cao kỷ lục, chủ yếu trong ngành sản xuất và chế biến - hai ngành cần có hoạt động kho vận mạnh mẽ - cùng sự bùng nổ trong tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, quy mô hoạt động của các DN nội địa lại chưa thể đáp ứng trước nhu cầu cao trong lĩnh vực này. Đơn cử như trong hoạt động vận chuyển, xe tải có tải trọng nhỏ ở các DN ngành kho vận trong nước chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhiều quốc gia khác. 

Một cuộc khảo sát cho thấy có tới  68% xe vận chuyển hàng hoá ở Việt Nam có tổng trọng lượng xe nhỏ hơn 5 tấn, 11% từ 5- 10 tấn, 14% từ 10-20 tấn và 7% xe tải hạng nặng với tổng trọng lượng xe trên 20 tấn.

Trong khi đó, ở các nước phát triển với mạng lưới đường bộ mạnh (như Mỹ, EU) phụ thuộc nhiều vào xe tải hạng nặng để vận chuyển hàng hóa. So với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á (như Malaysia và Thái Lan) và tại Châu Á (như Trung Quốc và Ấn Độ) thì Việt Nam cũng có tỷ lệ xe tải trọng nhỏ cao hơn.

Giới chuyên gia của WB lưu ý là tỷ lệ xe tải hạng nặng được bán ra ở Việt Nam thấp dẫn đến cần phải sử dụng số lượng xe tải cao hơn để vận chuyển cùng một lượng hàng hóa. Kết quả là tình trạng ùn tắc cao hơn, chi phí cao hơn.

Ngoài vấn đề nêu trên thì những hạn chế về mặt kho bãi, hậu cần cũng là điều mà các DN kho vận trong nước cần lưu tâm nếu như muốn cải thiện khả năng cạnh tranh.

Tại buổi đối thoại mới đây giữa UBND Tp.HCM với các DN châu Âu khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, các thành viên Tiểu ban Vận tải và Hậu cần thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) lưu ý vấn đề kho bãi ở Việt Nam nên tiếp tục được cải thiện.

Theo phía EuroCham, một vấn đề chính cản trở phát triển của ngành logistics ở Việt Nam hiện nay là tình trạng thiếu kho bãi hay khu đất hậu cần để tạo điều kiện phát triển các trung tâm phân phối hoặc hậu cần có chất lượng, đặc biệt là khu vực ngoại ô Tp.HCM.

Trong khi đó, người tiêu dùng Việt ngày càng yêu cầu hàng hóa chất lượng cao hơn, đa dạng hơn và giao hàng nhanh hơn. Điều này đặt ra một thách thức đáng kể trong việc tìm kiếm không gian và địa điểm để làm kho bãi và khu phân phối hàng hóa. 

Như nhận định của EuroCham, Tp.HCM khó có thể đáp ứng nhu cầu kho bãi ngày càng cao. Giá thị trường trong 2 năm gần đây đối với không gian kho bãi (kho dưới 5 năm tuổi) cách Tp.HCM 1 giờ di chuyển đã tăng khoảng 90%, nhưng khả năng đáp ứng hiện tại vẫn rất hạn chế.

Thế Vinh

Môi trường kinh doanh