CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhà sản xuất Trung Quốc xoay xở tìm lối thoát thời Covid-19

Invest Global 11:00 06/08/2020

(TBKTSG Online) - Thương chiến Mỹ - Trung leo thang và bóng đen của đại dịch Covid-19 lại đang giúp nhiều công ty Trung Quốc tăng doanh thu bán lẻ trực tuyến đến người dùng cuối thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba.

Doanh số bán hàng ra nước ngoài của sàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc là Alibaba tăng từ 27,7 tỉ NDT (gần 4 tỉ USD) trong năm tài chính 2019 lên gần 34 tỉ NDT (4,9 tỉ USD) trong năm tài chính 2020.

Do các nhà phân phối lớn ngưng nhập hàng, các nhà máy Trung Quốc phải đẩy mạnh bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng thông qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) như Alibaba, Aliexpress, Bangood... Đây là mô hình mô hình B2C, nhà sản xuất cửa hàng TMĐT và bán trực tiếp cho người tiêu dùng thay vì thông qua nhà phân phối, nhà nhập khẩu như trước đây.

Tình trạng bất an kéo dài liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng góp phần thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc hướng đến các thị trường và nền tảng khác nhau.

Nhà sản xuất máy pha cà phê HiBrew tại tỉnh Quảng Đông bắt đầu bán hàng thông qua AliExpress vào tháng 7-2019 và xem đây là một phần nỗ lực tiếp cận thị trường châu Âu.  Trước đó, thị trường chính của HiBrew là Mỹ nhưng thuế quan của Washington khiến chi phí gia tăng.

“Môi trường thương mại quốc tế đang khiến mô hình bán buôn (B2B) trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, mạng lưới logistics tốt hơn cho phép người bán tiếp cận được nhiều khách hàng mua lẻ hơn” - ông Zeng Qiuping, một lãnh đạo của HiBrew cho biết. 

Phần lớn nhà máy vẫn cần dựa vào chuỗi cung ứng bán sỉ truyền thống để tồn tại. Tuy nhiên, ông Zeng Qiuping cho rằng mô hình B2C sẽ tiếp tục phát triển sau khi chứng kiến sự tăng trưởng của nó tại Trung Quốc.

Hồi tháng 3 vừa qua, nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba ra mắt một phiên bản đặc biệt tập trung vào các nhà máy có nhiều đơn hàng thương mại bị trì hoãn hoặc hủy bỏ do sự bùng phát của dịch Covid-19 trên thế giới.

Tính đến tháng 7, ít nhất 1,2 triệu nhà máy đã tham gia nền tảng này, với doanh số tăng gấp sáu lần trong hai tháng 6 và 7.

Globalsources- một nền tảng TMĐT bán hàng xuyên quốc gia của Trung Quốc. Ảnh: b2b.bridgat.com

Sự gia tăng của loại hình mua sắm trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ giao hàng. Chẳng hạn như các dịch vụ logistics của công ty Cainiao (thuộc Alibaba) có doanh thu trong quý 1-2020 tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong khi đó, lợi nhuận của công ty DHL (Đức) trong quý 2-2020 tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp này ghi nhận sự gia tăng của lượng hàng hóa được giao nhận nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, cả ở trong và ngoài nước, kể từ cuối tháng 3. 

Một số công ty khởi nghiệp đang tìm cách tận dụng các xu hướng nói trên.  Ông Mingming Huang, làm việc tại quỹ đầu tư mạo hiểm Future Capital Discovery Fund (Trung Quốc) cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến số lượng đơn đặt hàng biến động nhiều hơn và buộc ngành công nghiệp logistics phải được số hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Trong tương lai, Future Capital tin rằng công ty logistics tốt nhất chắc chắn sẽ là một công ty công nghệ” - ông Mingming Huang nhận định. Trong số những công ty được quỹ này đầu tư có Duckbill, chuyên sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện hiệu quả điều phối xe tải.

Bên cạnh đó, quỹ còn rót tiền vào Inteluck (nền tảng logistics bên thứ ba ở Đông Nam Á) và Syrius Robotics (cung cấp dịch vụ tự động hóa kho bãi và logistics).

Theo CNBC